Đa dạng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Đổi mới phương thức hoạt động, chủ động, nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng; gia tăng các khâu dịch vụ liên kết, hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX và HTX với nông dân, cùng nhau chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm..., là cách làm đang được các HTX trên địa bàn tỉnh triển khai, qua đó, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến đạt chuẩn, duy trì các chuỗi sản xuất nông sản bền vững, hiệu quả.

HTX ARA-Tay Coffee giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn "Giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc".

Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp, 5 HTX sản xuất, chế biến, với khoảng 20.000 hộ trồng cà phê. Các HTX đã chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng, phục vụ cho hoạt động sản xuất. Đồng thời, nhiều HTX đã tạo lập được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong liên kết bao tiêu sản phẩm.

Thành lập năm 2014, HTX ARA-Tay Coffee bản Lọng Nghịu, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, hiện có 14 thành viên, với 50 ha cà phê đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX, thông tin: Để mở rộng sản xuất, từ năm 2021, HTX đã ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ cà phê với 52 hộ dân địa phương với thời hạn hợp đồng 5 năm. Niên vụ năm 2021-2022, HTX đã thu mua, chế biến 50 tấn quả tươi của các hộ thành viên và hộ liên kết, sản xuất 2 dòng sản phẩm chính là cà phê Natural (cà phê tự nhiên) và cà phê Honey (cà phê mật ong), xuất bán ra thị trường khoảng 18 tấn cà phê nhân xanh Natural và cà phê nhân xanh Honey với giá dao động từ 200.000-240.000 đồng/kg, tính ra tổng doanh thu đạt 4 tỷ đồng.

Là một trong những hộ vệ tinh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ cà phê với HTX ARA-Tay Coffee, chị Lò Thị Tiên, bản Ngòi, xã Chiềng Chung, cho biết: Ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với HTX, chúng tôi được cam kết giá bán cao hơn giá thị trường, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ làm nhà sấy năng lượng mặt trời, đẩy mạnh sơ chế, chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập gia đình. 

Còn với HTX Nông nghiệp Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, hiện có 8 thành viên, sản xuất 40 ha cây ăn quả trên đất dốc, trong đó 17 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Bà Quàng Thị Lả, Giám đốc HTX, cho biết: Mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng sản lượng phục vụ kế hoạch chế biến và cung cấp hàng hóa cho các đối tác. HTX đang liên kết sản xuất với 17 hộ dân địa phương, tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu, thu mua sản phẩm cho các hộ. Với hình thức liên kết này HTX chủ động vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, quản lý được chất lượng sản lượng sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, HTX sẽ mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với 60 hộ dân địa phương, xây dựng vùng sản xuất an toàn 120 ha theo tiêu chuẩn VietGAP và đẩy mạnh chế biến các loại hoa quả sấy tự nhiên nhằm đa dạng các loại nông sản.

Sản phẩm nước ép đóng lon của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao được chế biến từ nguyên liệu của các HTX trên địa bàn tỉnh. 

Toàn tỉnh hiện có 681 HTX nông nghiệp đang hoạt động, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu đối với các HTX để chuyển dần từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Các hình thức liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, cam kết bao tiêu, thu mua sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ, sản xuất bao tiêu theo chuỗi giá trị khép kín. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, cam kết về giá bán, đầu ra ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp, HTX cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.

Hiện, toàn tỉnh có 235 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, trong đó hơn 200 chuỗi do HTX sản xuất, cung ứng. Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Trong hệ sinh thái liên kết nông hộ - HTX- doanh nghiệp của chuỗi nông, lâm, thủy sản bền vững thì HTX là mắt xích rất quan trọng. Thời gian tới, để thúc đẩy liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản trong các HTX thêm bền chặt, hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của tỉnh; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho các HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu nông sản, nâng cao giá trị kinh tế, giải quyết bài toán bảo quản sản phẩm cho người sản xuất.

Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại HTX đã gắn trách nhiệm, lợi ích của doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển quy mô sản xuất lớn, hiện đại hóa nông thôn. Để xây dựng mối liên kết sản xuất bền vững, hiệu quả, các hộ nông dân cần tiếp tục đầu tư cơ giới hóa, nâng cao trình độ sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng, đáp ứng cho các nhà máy, xưởng chế biến. Các doanh nghiệp, HTX có những chính sách hỗ trợ sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm, đồng hành với nông dân trong việc chuyển giao khoa học công nghệ; đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới