Cựu chiến binh gương mẫu

Theo lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Thuận Châu, chúng tôi đến với bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, tìm hiểu về cựu chiến binh Sùng Nhìa Tú, một CCB gương mẫu tiêu biểu của huyện cả trong thời chiến và thời bình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

 

Ông Sùng Nhìa Tú ươm bầu giống cây cà phê.

 

Về bản Nặm Giắt trên con đường trải nhựa thẳng tắp, dọc hai bên đường trên các sườn đồi uốn lượn, bà con nông dân đang chăm bón cây chè, cây cà phê, cây ăn quả và chuẩn bị đất cho vụ trồng cây trên nương. Trong căn nhà gỗ khang trang của CCB Sùng Nhìa Tú treo nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen... Ông Tú đưa chúng tôi quyển hồi ký ghi lại những kỷ niệm về hoạt động trong quân ngũ và thời gian tham gia chiến đấu trong chiến trường Lào, ông kể: Năm 1969, tôi lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi và được biên chế vào Đại đội C365 (Bộ CHQS tỉnh). Từ năm 1969 đến năm 1972, tôi cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh lịch sử như: Đánh chiếm Pa Thí; phối hợp với quân chủ lực đánh chiếm vùng ngoài tỉnh Sầm Nưa, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng...

Rót chén trà mời khách, ông Tú kể tiếp: Trong thời gian chiến đấu bên Lào, tôi vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba; Chiến sỹ Quyết thắng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, tôi được về Bộ CHQS tỉnh Sơn La tham gia học bổ túc văn hóa, đào tạo cán bộ trung đội trưởng; đào tạo học trung cấp quân sự tại Bắc Thái (Thái Nguyên), năm 1978 được giữ chức vụ trợ lý huấn luyện (Bộ CHQS tỉnh); đến năm 1986 được điều động làm Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS Thuận Châu; năm 1989 được nghỉ hưu theo chế độ.

Tìm hiểu được biết, khi nghỉ hưu ông Tú mới bắt đầu tham gia làm kinh tế. Khi đó, cuộc sống sinh hoạt ở bản Nặm Giắt khó khăn nhiều lắm bởi giao thông không thuận lợi, đất đai bạc màu; người dân chủ yếu trồng ngô, sắn trên nương. Với sự quyết tâm của người lính dám nghĩ, dám làm, ông Tú đã tận dụng mảnh đồi của gia đình để phát triển mô hình trồng cây ăn quả, cây chè, cây cà phê. Năm 2001, ông mạnh dạn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư trồng 0,5 ha cây cà phê. Khi cây cà phê chưa cho thu hoạch, ông trồng xen cây ngắn ngày như đậu, lạc, vừng. Quá trình canh tác, ông đã đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật; tận dụng phân chuồng cải tạo đất để cây cà phê phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng tìm hiểu cách trồng chè, trồng mận hậu, mận tam hoa của người dân xã Phổng Lái, sau đó về trồng tại gia đình với diện tích gần 2 ha. Bên cạnh đó, ông vẫn duy trì trồng 1 ha ngô nuôi 10 con lợn, 3 con trâu, bò. Hằng năm, gia đình ông Tú thu hoạch gần 8 tấn chè búp tươi, 4 tấn cà phê, 8 tấn mận hậu; trừ chi phí, thu lãi mỗi năm gần 100 triệu đồng. Ông Tú cho biết: Trồng cây ăn quả dễ hơn các loại cây nông nghiệp khác, cơ bản người trồng phải biết và hiểu rõ đặc tính của từng loại cây. Thời gian đầu, mình phải đặc biệt quan tâm, phải bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, nắm chắc hàm lượng phân bón cho từng loại cây, việc phòng trừ sâu, bệnh phải được thực hiện đúng kỹ thuật.

Ông Tú hiện đang là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi bản Nặm Giắt, Trưởng dòng họ Sùng. Trong cuộc sống hằng ngày, ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản thực hiện tốt cam kết “5 có, 5 không”; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Vận động gia đình, anh em chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nên nhiều năm qua, dòng họ Sùng không có người nào mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. 8 người con của ông Tú đều được theo học chuyên nghiệp và công tác ở cơ quan Nhà nước.

Với những kết quả đạt được, ông Tú được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, là tấm gương để bà con trong bản, trong xã học tập, xây dựng bản làng ngày càng no ấm.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới