Cuộc sống mới trên cung đường huyền thoại

Địa danh “Pha Đin” gắn với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954) được nhiều người biết đến qua bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu: “…Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ; Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát…”. Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cung đường huyền thoại năm xưa đang được huyện Thuận Châu tập trung quy hoạch thành vùng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, đã và đang đem lại những tín hiệu tích cực.

 

Du khách trải nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp dưới chân đèo Pha Đin.

 

Đi từ thị trấn Thuận Châu lên đèo Pha Đin trên con đường trải nhựa áp phan rộng rãi. Ấn tượng Pha Đin bắt đầu đến từ địa phận xã Phổng Lái ở ngay dưới chân đèo với những cánh rừng xanh thẳm ôm ấp hai bên sườn đèo, bên dưới thung lũng là những vườn mơ, giàn chanh leo xanh mướt. Đèo Pha Đin có độ cao hơn 1000 m so với mặt nước biển, tên của đèo theo tiếng Thái cũng có nghĩa là điểm “gặp gỡ” của trời và đất. Độ cao là thế nên mới đến giữa đèo, trời nắng nhưng vẫn bắt gặp những đoạn đường phảng phất sương mù theo gió tràn xuống khiến cảnh vật hai bên đường thật lung linh, huyền ảo.

Địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là Hợp tác xã Du lịch Pha Đin (bản Nà Ngụa, xã Phổng Lái) với các hoạt động kinh doanh cây dược liệu, trồng cây ăn quả kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái. Do vị trí bản nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin, các thành viên trong HTX đã góp vốn điều lệ 1 tỷ đồng để bắt tay vào làm du lịch cộng đồng; khởi đầu là sử dụng hơn 2 ha đất đồi trồng ngô ở trên đỉnh đèo để trồng một số loài hoa, dựng chòi ngắm cảnh và các hạng mục phụ trợ cho du khách dừng chân, thưởng ngoạn. Bên cạnh đó, HTX còn giới thiệu và cung cấp các giống cây dược liệu như sa nhân, sâm đương quy và là đầu mối giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của HTX trên địa bàn huyện... 

Khó có thể tả được cái cảm giác lâng lâng khi đứng trên đỉnh đèo có độ cao hơn 1.000 m, cảm nhận chút se se lạnh trong từng cơn gió, những đợt sương mù thoảng qua làm ướt mờ mi mắt... Để rồi trong cái không khí trong lành, được cầm tay nhau đi dạo, chụp ảnh dưới những vườn hoa hồng, oải hương, tam giác mạch, nhài Nhật và nhiều loại hoa khác như: Cúc In đô, cúc cách bướm Violet, cẩm tú cầu..., khiến mỗi người đến đây đều bị cuốn hút bởi bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, ngập tràn sức sống. Anh Bùi Ngọc Thắng, Giám đốc HTX chia sẻ: Hiện tại, vườn hoa mỗi tháng đón khoảng 3000 đến 5000 lượt khách với giá vé vào tham quan là 10.000 đồng/người. Chúng tôi đang phát triển rộng mô hình sinh thái gắn với nông nghiệp, diện tích nâng lên khoảng 15ha đến 20ha; làm khu ăn nghỉ tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại, tổ chức sự kiện; phấn đấu từ 2019 sẽ đón từ trên 6000 lượt khách/tháng; tạo thương hiệu cung cấp các sản phẩm của HTX sản xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh...

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến những mô hình nông nghiệp nằm dưới chân đèo Pha Đin đang được huyện Thuận Châu xây dựng kế hoạch gắn với du lịch cộng đồng như mô hình trồng chè, cà phê, chanh leo tại bản Kiến Xương, Tiên Hưng, Thư Vũ, Pha Lao, Mô Cổng... Đây đang là những điểm đến hấp dẫn cho những du khách tham gia du lịch trải nghiệm. Du khách đến đây sẽ trở thành những người nông dân thực sự, trực tiếp hòa mình vào đời sống của người dân địa phương thông qua các hoạt động lao động, chăm sóc, thu hoạch nông sản. Du khách cũng sẽ được tự tay hái những búp chè xanh, những quả cà phê chín mọng hay những rổ chanh leo thơm nức, thậm chí là sinh hoạt và ăn uống như một người dân bản địa, hòa mình cùng thiên nhiên thơ mộng, núi rừng hùng vĩ... để sau mỗi chuyến du lịch trải nghiệm sẽ giúp du khách có thêm những góc nhìn về cuộc sống, những trải nghiệm vô cùng khó quên đối với tất cả mọi người.

Đồng chí Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 28/02/2018 về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, huyện sẽ tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, có chất lượng; chú trọng khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế và của cộng đồng để thúc đẩy, phát triển du lịch...

Đèo Pha Đin, cung đường huyền thoại năm xưa với những khúc cua uốn lượn, khung cảnh núi non hùng vĩ, mây mù bao phủ... Đã trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn khi đang là điểm đến thăm quan du lịch sinh thái cho các du khách gần xa. Cuộc sống ấm no cũng đang đến với những hộ dân của các bản nằm dọc cung đường của con đèo huyền thoại khi huyện Thuận Châu đang tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy du lịch của huyện phát triển nhanh, bền vững.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới