Cuộc sống mới ở bản Tiên Hưng

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp về bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái (Thuận Châu), thật ấn tượng khi hai bên đường nhựa dẫn vào bản là những nương chè, cà phê xanh ngát, trải dài cùng những vườn cây ăn quả sai trĩu cành... Tất cả đã phản ánh thành quả lao động của bà con nơi đây trong việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

 

Mô hình trồng chè xen mắc ca của gia đình ông Trần Văn Đồng, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái.

Pha ấm chè nóng mời khách, ông Nguyễn Văn Nhàn, Trưởng bản Tiên Hưng, cho biết: Bản hiện có 106 hộ với 318 nhân khẩu, trong đó có 198 người trong độ tuổi lao động. Bản có 95 ha đất sản xuất, những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể, hiện bản có 65 hộ khá, giàu, số hộ nghèo còn 6 hộ. Trước kia bà con chủ yếu trồng các loại cây nông nghiệp như: Ngô, khoai, sắn, đỗ, lạc... nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ xã, bản và nhận thức của bà con ngày càng được nâng lên, nhiều năm trở lại đây, bà con đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, như: thâm canh trồng chè, cà phê, trồng mắc ca, cam, bưởi da xanh, chanh leo, nhãn chín muộn và nuôi ong lấy mật... Điển hình sản xuất tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Hữu Khải, Trần Văn Đồng, Nguyễn Văn Điệt, Nguyễn Hữu Phước, Phạm Xuân Sơn, Nguyễn Văn Khải...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, cả bản hiện có 25 ha chè giống địa phương, sản lượng 350 tấn chè búp tươi/năm, với giá bán trung bình 7,5 nghìn đồng/kg, mỗi năm thu nhập hơn 2,6 tỷ đồng; 10 ha chè Kim Tuyên, sản lượng 120 tấn chè búp tươi/năm, với giá bán 11 nghìn đồng/kg, mỗi năm thu nhập được hơn 1,3 tỷ đồng; ngoài ra còn 5 ha chè Kim Tuyên chuẩn bị được thu hoạch. Phần lớn chè búp tươi được Công ty TNHH  Trà Thu Đan, Công ty TNHH Nông sản Thân Nga, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Bình Thuận thu mua, chế biến xuất khẩu sang thị trường Đài Loan; một phần các gia đình tự chế biến tiêu thụ. Để đảm bảo chè đạt chất lượng xuất khẩu, các doanh nghiệp và hợp tác xã đã hướng dẫn bà con cách chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo quy định. Riêng đối với diện tích chè Kim Tuyên được Công ty TNHH  Trà Thu Đan ký hợp đồng bao tiêu và cung cấp thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại và hướng dẫn các hộ trồng chè phun khi có sâu bệnh; cuối mỗi mùa thu hoạch chè, Công ty đã cử nhân viên trực tiếp đến từng gia đình cắt tỉa, đốn chè theo đúng kỹ thuật để đảm bảo chè phát triển tốt trong mùa sau.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Điệt, một trong những hộ sản xuất giỏi ở bản. Ông Điệt cho biết: Gia đình có 2,5 ha chè, 1 ha các loại cây ăn quả..., trước đây chủ yếu trồng chè giống địa phương, cà phê và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, nhưng hiệu quả kinh tế không cao; nhận thấy giống chè Kim Tuyên có nhiều ưu điểm hơn so với giống chè địa phương, cộng với thời gian gần đây, nguồn nước phục vụ sản xuất dồi dào, nên gia đình tôi đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng giống chè Kim Tuyên và các loại cây ăn quả như: Bưởi da xanh, nhãn chín muộn, hồng xiêm, mận... Đặc biệt, chè Kim Tuyên là giống chè chất lượng cao, được trồng để xuất khẩu, vì thế đòi hỏi từ khâu làm đất, trồng và chăm sóc phải tuân thủ kỹ thuật rất nghiêm ngặt, việc phun thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo đúng quy trình, phun thuốc sau 25 ngày mới được thu hái. Do tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật nên năng suất chè của gia đình tăng cao, mỗi năm gia đình thu nhập được hơn 40 tấn chè búp tươi, trừ tất cả chi phí, thu lãi 300 triệu đồng; ngoài thu nhập từ chè, còn thu nhập thêm từ các loại cây ăn quả và chăn nuôi, tổng thu nhập của gia đình hơn 350 triệu đồng/năm.

Còn tại trang trại của gia đình ông Trần Văn Đồng, chúng tôi bị cuốn hút bởi đồi chè xanh bát ngát, trải dài, xen với cà phê, mắc ca và vườn chanh leo sai trĩu quả. Miệt mài chăm sóc vườn cây, lau những giọt mồ hôi trên trán, ông Đồng chia sẻ: Gia đình có 4 ha đất sản xuất, trong đó có 3,5 ha chè trồng xen mắc ca, cà phê, mận hậu, bưởi da xanh và 5.000 m2 trồng chanh leo. Cuối năm 2014, gia đình được tỉnh triển khai thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel. Đồng thời, thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, nên diện tích cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất chè búp tươi đạt 20 tấn/ha, cà phê hơn 20 tấn/ha,... tổng thu nhập của gia đình trên 500 triệu đồng/năm.

Được tận mắt chứng kiến những thành quả lao động của những người nông dân ở bản Tiên Hưng đã để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng đặc biệt,... bởi họ chính là những người đã tạo bước chuyển tích cực trong việc cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức, trình độ canh tác, góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán sản xuất, từng bước hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Nguyễn Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới