Cuộc sống mới ở bản tái định cư Pá Bát

Hơn 10 năm thực hiện dự án di dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, cuộc sống của bà con bản TĐC Pá Bát, xã Nậm Giôn (Mường La) đã có nhiều đổi thay. Trước đây ở bản cũ, học sinh đi bộ 30 km men theo đường ven sông để đến trường, mùa mưa nước sông dâng, học sinh dùng bè hoặc đi tắt đường rừng, xa và nguy hiểm.

Mô hình  nuôi bò của gia đình ông Đặng Văn Dịch, bản Pá Bát, xã Nậm Giôn (Mường La). 

Giờ đây, TĐC tại nơi ở mới, bà con được nhà nước đầu tư các công trình điện, đường, trường, nhà văn hóa..., góp phần giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đó là lời chia sẻ của anh Lò Văn Pau, Bí thư chi bộ bản Pá Bát khi trao đổi với chúng tôi.

Tháng 10/2005, thực hiện dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La, bản Pá Bát với 38 hộ, 191 nhân khẩu đã di vén lên điểm tái định cư tại bản Bó Ngạu 2 và vẫn lấy tên bản cũ là Pá Bát. Đến nay, số hộ của bản đã tăng lên 54 hộ với 235 nhân khẩu. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện... Để giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, huyện Mường La đã cấp đủ đất ở và đất sản xuất nông nghiệp cho bà con, đồng thời triển khai đồng bộ các dự án về xây dựng kết cấu hạ tầng cho bản. Năm 2007, 100% các hộ trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia; đường giao thông, điểm trường học, nhà văn hóa bản, công trình nước sạch, hợp vệ sinh... được đồng loạt đầu tư theo quy định và đưa vào sử dụng. Kết cấu hạ tầng hoàn thiện, các em học sinh được đến trường học tập, bà con yên tâm, tập chung lao động sản xuất, chung tay xây dựng một cuộc sống nơi ở mới.

Trước đây tại nơi ở cũ, kinh tế của các hộ trong bản chủ yếu phụ thuộc vào làm nương rẫy. Chuyển đến nơi ở mới, bà con được cán bộ khuyến nông trong xã tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng ngô, trồng cỏ voi phục vụ phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, xã còn tập trung tuyên truyền, vận động bà con xây dựng chuồng trại tách riêng khu nhà ở, chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc. Đối với những hộ nghèo trong bản, xã tạo điều kiện giúp bà con vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Năm 2011, nhận thấy địa hình đất thích hợp trồng ngô, bà con đã chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác lúa nương kém hiệu quả sang trồng giống ngô lai, kết hợp trồng cỏ, chuối, cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho trâu, bò. Hiện, cả bản có 97 ha trồng ngô, 30 ha sắn, 10 ha trồng cỏ, chuối và 9 ha trồng cây ăn quả. Ngoài việc tạo được nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi, các sản phẩm trồng trọt còn trở thành hàng hóa trao đổi, buôn bán 1 tuần/lần với các thương lái đến từ các xã dọc sông Đà của Quỳnh Nhai. Cùng với trồng trọt, các hộ dân trong bản duy trì và phát triển đàn trâu, bò hơn 200 con. Trong đó, trâu, bò được các lái buôn tại các xã trong huyện và huyện Thuận Châu, Sông Mã đến tận bản mua nếu người dân có nhu cầu bán... Ông Đặng Văn Dịch, một trong những điển hình phát triển kinh tế, thông tin: Năm 2006, gia đình đã sử dụng nguồn tiền đền bù xây dựng nhà và mua bò sinh sản về nuôi, kết hợp sử dụng đất được cấp để sản xuất nông nghiệp. Hiện, gia đình có hơn 1 ha trồng sắn, 3.000 m2 trồng cỏ voi, chuối, cung cấp đầy đủ thức ăn cho đàn bò. 5 năm trở lại đây, gia đình thường xuyên duy trì đàn bò 15 con, trung bình mỗi năm xuất bán 2 con bò. Ngoài ra, còn trồng 2 ha ngô, mỗi vụ thu 7 tấn/ha, trừ chi phí, tổng thu lãi mỗi năm 70 triệu đồng.

Ngoài phát triển kinh tế ổn định, tạo nguồn thu nhập cho các hộ trong bản, đời sống văn hóa của bà con còn thay đổi theo hướng tích cực. Trước kia mỗi dịp lễ, tết hay việc hiếu, hỷ, vẫn còn duy trì một số phong tục cũ, lạc hậu. Khi chuyển đến nơi ở mới, bản đã thành lập 1 đội văn nghệ, thường xuyên tập luyện, biểu diễn, giao lưu với các bản trong xã các dịp lễ, tết. Việc hiếu, việc hỷ được bà con tổ chức vui tươi, tiết kiệm, theo nếp sống mới. Đồng thời, tăng cường đoàn kết giữa các hộ trong bản, động viên nhau xây dựng cuộc sống.

Nơi ở mới của các hộ TĐC Pá Bát thực sự tốt hơn rất nhiều so với nơi ở cũ. Bởi tại nơi đây, các hộ TĐC không chỉ được hưởng lợi từ các công trình dân sinh do nhà nước đầu tư, mà còn tự lực vươn lên xóa nghèo, ổn định cuộc sống. Đổi thay hôm nay của bản Pá Bát chính là nhờ có sự quan tâm của Đảng, nhà nước và tinh thần đoàn kết của các hộ dân... 

Thu Thảo

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới