Cuộc sống mới dưới chân núi Pha Luông

Dưới chân dãy núi Pha Luông hùng vĩ có một bản của đồng bào dân tộc Mông đoàn kết sinh sống và luôn tích cực tham gia giữ gìn đường biên, mốc giới - Đó là bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu). Mỗi lần về Pha Luông, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của bà con nơi đây.

Tuyến đường nội bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) được bê tông hóa.

Niềm nở tiếp đón chúng tôi tại căn nhà gỗ ngay đầu bản, sau cái bắt tay thật chặt, ông Sồng A Tủa, Trưởng bản Pha Luông phấn khởi chia vui về những kết quả phát triển kinh tế, xã hội mà bản đã đạt được trong năm qua. Ông Tủa khoe: Trong năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bà con trong bản luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau và cùng tìm những cách làm mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy, thu nhập bình quân năm 2018 ở bản đạt từ 12 – 14 triệu đồng/người, tăng gần 2 triệu đồng so với năm trước. Hiện, bản đang tích cực vận động bà con tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của xã, với mục tiêu không còn hộ nào trong bản thiếu cái ăn, cái mặc.

Trong câu chuyện với ông Sồng A Tủa, chúng tôi được biết, quê hương, gốc gác của người dân ở bản Pha Luông trước đây là chính là quê hương của “vợ chồng A Phủ” - xã Hồng Ngài (huyện Bắc Yên) di chuyển về đây sinh sống từ những năm 1986. Sinh sống ở vùng biên ngay dưới chân núi Pha Luông nên bà con đặt tên bản là Pha Luông. Bản Pha Luông cách trung tâm xã Chiềng Sơn gần 20 km, đường đi lại hiểm trở nên bà con ít có cơ hội giao lưu hàng hóa để phát triển kinh tế, cùng với đó, việc sản xuất lại mang tính tự túc, tự cấp nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Qua trao đổi được biết, huyện Mộc Châu đã cử nhiều đoàn công tác đến bản Pha Luông để vận động di chuyển xuống nơi thuận tiện để sinh sống. Do vậy, từ năm 2005, toàn bộ 80 hộ dân bản Pha Luông đã rời bản cũ về nơi ở mới gần bản Dân Quân như hiện nay. Tại nơi đây, cuộc sống của người dân bản Pha Luông đã có nhiều chuyển biến tích cực, điều kiện sản xuất, cách nghĩ, cách làm đã được thay đổi hẳn, bà con đã đưa một số loại cây mới vào canh tác, như: Trồng trên 2 ha chanh leo, cải tạo 40 ha cây sơn tra và trồng cây bưởi, cam. Ngoài ra, được sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, nhân dân trong bản đã đóng góp tiền, ngày công lao động để đổ bê tông 1,8 km đường trục chính của bản.

Trên con đường bê tông sạch, đẹp, chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Phộng, bản Pha Luông. Anh Phộng phấn khởi khoe với chúng tôi về cuộc sống mới sau khi di chuyển đến nơi ở mới: Bây giờ, cuộc sống của chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn trước, bởi được đầu tư đường điện lưới quốc gia; có cơ hội giao lưu, học hỏi kiến thức sản xuất với bà con trong khu vực. Riêng gia đình, năm 2018 đã trồng hơn 1 ha cây chanh leo, thu 70 triệu đồng. Cứ đà này, cuộc sống của người dân Pha Luông sẽ khởi sắc.

Ngoài diện tích cây ăn quả đã trồng, người dân vẫn tiếp tục duy trì và đưa các giống lúa lai, ngô lai mới cho năng suất cao vào sản xuất, đồng thời, tiếp tục chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đối với chăn nuôi, hiện nay tổng đàn vật nuôi của bản đạt gần 200 con trâu, bò; 200 con lợn trên hai tháng tuổi và gần 1.000 con gia cầm. Bên cạnh đó, với vị trí nằm dưới chân núi Pha Luông, là địa điểm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, sẽ là cơ hội để các hộ dân mở một số cơ sở lưu trú, phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách đến khám phá đỉnh Pha Luông, để tăng thêm thu nhập. Cùng với đó, là bản giáp ranh với nước bạn Lào, có hơn 4 km đường biên và 2 cột mốc, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được chú trọng, bản tích cực tham gia cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập thường xuyên tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần giữ vững an ninh biên giới quốc gia.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân Pha Luông luôn đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng bản mường ngày càng đổi mới.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới