Cuộc sống dưới chân ngọn Pha Luông: Kỳ II: Đổi thay trên mảnh đất vùng biên

Từ một bản “4 không” (không điện, không đường, không trường, không trạm), Pha Luông sau 15 năm "xuống núi" đang từng ngày khởi sắc, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/người/năm, có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, cuộc sống đang từng ngày ổn định và phát triển.

 

Tuyến đường bê tông trục bản Pha Luông mới được xây dựng.

Hành trình đưa người dân xuống núi

Ông Nguyễn Thế Hiệu, nguyên Trưởng Ban định canh, định cư huyện Mộc Châu nhớ lại quá trình vận động người dân xuống núi về nơi ở mới. Ông bảo, đối với đồng bào dân tộc Mông, việc vận động họ xuống núi định cư, ổn định cuộc sống không hề đơn giản; tính cộng đồng của đồng bào Mông rất cao, muốn vận động thành công phải có tiếng nói của người đứng đầu, trưởng bản, người có uy tín trong bản. Thời điểm đó, nhiều đoàn công tác của huyện Mộc Châu đã về bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, dù đó là ngày nghỉ hay các dịp lễ, tết. Tất nhiên, Trưởng bản Sồng A Tủa luôn là cầu nối trong tuyên truyền các chính sách định canh định cư. 

Sau nhiều ngày tháng kiên trì vận động, năm 2003, Trưởng bản Sồng A Tủa cùng 8 hộ dân xung phong xuống núi tới điểm quy hoạch của huyện. Không chỉ vậy, ông còn vận động bà con tự khai phá, mở đường để dùng xe máy vận chuyển đồ đạc. Để khẩn trương ổn định đời sống nhân dân trong bản, huyện Mộc Châu hỗ trợ các hộ dân dựng lại nhà, mở đường dẫn nước sạch, kéo điện lưới và các công trình nhà lớp học.... Cứ như vậy, cuộc sống của bà con dần ổn định, cái đói, cái nghèo từng bước bị đẩy lùi... nên đã thuyết phục được các hộ khác cùng về bản mới xây dựng cuộc sống, không nhắc chuyện du canh, du cư nữa.

Trong chuyến trở lại Pha Luông, Trưởng bản Sồng A Tủa mời chúng tôi cùng về lại bản cũ trên núi, như ý nói Pha Luông di chuyển xuống núi về nơi ăn ở, sản xuất tốt hơn là nhờ ơn Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành. Trên đường về bản cũ, Trưởng bản liên lạc với một số hộ dân dựng lán làm nương trên bản cũ xuống đón. Làm “hoa tiêu” là một thanh niên trẻ có tên Giàng A Kỷ, trên đường đi, Kỷ dặn: Đường lên bản cũ khó đi lắm, không quen dễ trượt cả người, cả xe xuống vực đấy! Dù đi được bằng xe máy nhưng nhiều đoạn dốc dựng đứng, xe vẫn trượt bánh như thường. Gần 2 giờ đồng hồ vượt núi, đỉnh Pha Luông hùng vĩ đã hiện ra ngay trước mắt chúng tôi. Vị trí bản cũ chênh vênh bên sườn núi nay chỉ còn lại những lán nương nhỏ. Khoát tay về phía chân đồi, Trưởng bản Tủa chỉ chỗ nhà ông từng sinh sống cách đây 15 năm. Ông bảo, vạt đồi phía trước kia ngày trước trồng nhiều cây thuốc phiện lắm. Thật may, có quyết định đúng của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ thiết thực của huyện, xã và bản để bà con yên tâm lao động sản xuất, không di dịch cư tự do nữa, không tái trồng cây thuốc phiện...

Cuộc sống mới

dưới chân ngọn Pha Luông

Chủ đề được bà con bản Pha Luông nhắc nhiều bây giờ là trồng cây gì? nuôi con gì? làm thế nào để thêm nhiều thu nhập? Người dân cũng nhắc nhiều đến Trưởng bản Sồng A Tủa - người luôn “đứng mũi chịu sào”, đi trước, làm trước trong phát triển kinh tế để hướng dẫn bà con làm theo. Một trong những cách làm mới là việc Trưởng bản đưa cây chanh leo về trồng ở đây. Bây giờ thì cả bản đã có trên 2 ha chanh leo, cải tạo 40 ha cây sơn tra, trồng 3 ha bưởi, cam...

Người dân bản Pha Luông phát triển các loại cây ăn quả trên đất dốc.

Kể với chúng tôi câu chuyện đưa cây chanh leo về bản, ông Tủa bảo, trong một lần ra huyện dự hội chợ, nghe giới thiệu về cây chanh leo cùng hiệu quả mà nó mang lại, ông liền bỏ tiền mua cây giống, cất công đi học, tìm hiểu kỹ thuật, cách chăm sóc, cách làm giàn để năng suất cao... vụ đầu tiên, ông mua 400 gốc chanh leo trồng trên diện tích đất nương trước đây trồng ngô, sắn. Lúc đó, bà con đều nói ông mạo hiểm, nhỡ cây chết hoặc không cho quả thì vừa mất tiền, vừa mất công. Tin mình làm đúng nên ông vẫn quyết tâm trồng và vụ đầu tiên, ông đã thu trên 100 triệu đồng từ chanh leo. Ông bảo nằm mơ cũng không dám nghĩ mình có được bằng ấy tiền. Rồi ông phấn khởi: Bây giờ thì cả bản đã có gần 50 ha cây ăn quả rồi. Không chỉ thế, bản còn có gần 200 con trâu, bò; 200 con lợn trên hai tháng tuổi và hàng ngàn con gia cầm. Cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo ở Pha Luông nữa.

Một giờ học tại điểm trường Tiểu học Pha Luông.

Cùng với đó, “cái ăn”, “việc học” của con em cũng được quan tâm. Bà con bản Pha Luông nhận ra con trẻ phải được đi học cái chữ, thì sau này mới sống tốt lên được. Cả bản ai cũng đồng lòng góp vật liệu cùng xã dựng lớp học. Đến nay, điểm trường Pha Luông đã được xây dựng khang trang với 8 phòng học, từ lớp 1 đến lớp 5. Trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Văn Minh, từng gắn bó với bản từ khi định cư ở đây, 15 năm “gieo chữ” nơi bản vùng biên, nay dù đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhưng thầy giáo vẫn luôn nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người”. Ông là một trong những giáo viên đầu tiên nhận phân công đến giảng dạy ở điểm trường Pha Luông này, nên chứng kiến không chỉ những đổi thay trong cuộc sống của bà con mà còn cả nếp nghĩ về việc cho con cháu được học chữ, từ con số không ban đầu và cơ sở vật chất trường lớp học cũng như số lượng học sinh ngày càng tăng hôm nay. Các em học sinh ở Pha Luông rất ngoan ngoãn và ham học; phụ huynh thì rất quan tâm đến việc học của con em mình, họ đặc biệt quý trọng các thầy giáo, cô giáo đến công tác ở điểm trường, coi như người thân trong gia đình. Cô giáo Đàm Thị Giang, cũng có nhiều năm gắn bó với nhà trường, chia sẻ: Hầu hết các em học sinh lớp 1 ở đây đều chưa biết tiếng phổ thông, vì vậy, trong các giờ học, thầy giáo, cô giáo phải sử dụng tiếng Mông để hướng dẫn các em nên rất vất vả. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực phấn đấu giúp các em học sinh tiếp thu, học tập thật tốt.

Tạm biệt Pha Luông, Trưởng bản Sồng A Tủa nắm chặt tay chúng tôi, dặn: Nhà báo nhớ nhanh trở lại nhé! Được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm, chắc chắn Pha Luông sẽ có thêm nhiều cái mới nữa đấy. Và, chúng tôi tin điều đó.

Huy Ngoan - Khải Hoàn

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới