Cuộc sống dưới chân ngọn Pha Luông: Kỳ I: Ký ức một thời gian khó từ tập quán di cư

Bản Pha Luông của đồng bào dân tộc Mông đã định cư và sinh sống dưới chân đỉnh Pha Luông hùng vĩ, nằm giữa biên giới hai nước Việt Nam - Lào, thuộc địa phận xã Chiềng Sơn (Mộc Châu). Hơn 3 thập niên trôi qua, người dân bản Pha Luông đã yên tâm định cư, làm ăn tấn tới trên mảnh đất biên cương này, không còn giữ tập quán du canh, du cư song hành cùng nghèo đói của những năm 80 thế kỷ trước nữa.

Một thời di dịch cư tự do

Các dòng họ trong bản Pha Luông bây giờ hầu hết đều có gốc gác từ xã Hồng Ngài (Bắc Yên), thế nên câu chuyện du canh du cư cách đây chưa lâu vẫn còn trong ký ức nhiều người. Tập quán đó không dễ bỏ, cứ đất đai bắt đầu "nghèo" thì đồng bào dân tộc Mông lại bắt đầu hành trình đi tìm vùng đất mới để sinh sống. Thời đó, hằng năm, Bắc Yên có hàng trăm hộ người Mông kéo nhau đi tìm vùng đất mới. Gia sản đem theo là những đồ dùng cần thiết cùng gia súc, gia cầm..., cứ vậy, họ đi bộ nhiều ngày, nhiều đêm, chỉ dừng lại khi tìm được vùng đất ưng ý làm nơi ở mới. Trong cuộc di dịch cư tự do ấy, còn có rất đông người Mông ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái... 

Một góc bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) hôm nay.

Du canh du cư tự do trước hết là một phần phong tục tập quán cũ của người Mông; cùng với đó là phương thức canh tác lạc hậu, làm cho đất sản xuất nông nghiệp nhanh cằn cỗi, trồng cây gì năng suất cũng thấp; rồi hủ tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tình trạng đẻ nhiều con..., số thành viên trong một gia đình tăng lên thì cần phải tách ra ở riêng để đảm bảo cuộc sống, mà quỹ đất không “nở” ra, dẫn đến thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, vậy là nhiều hộ dân lại chọn cách đi tìm những miền đất mới, hy vọng sẽ có đất tốt hơn để trồng ngô, trồng sắn, lúa nương cho có đủ cái ăn. Và dù có đến vùng đất nào thì người dân vẫn mang theo nếp cũ: Chặt phá, phát đốt rừng làm nương, lấy gỗ dựng nhà cửa, canh tác vẫn theo lối chọc lỗ tra hạt, đất xói mòn thì lại đi nơi khác; con cái không được học hành đến nơi đến chốn; cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng từ đời này qua thế hệ khác, cuộc sống dường như không lối thoát...

Để tìm hiểu kỹ hơn việc thực hiện chính sách hỗ trợ các bản đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu, chúng tôi chọn bản Pha Luông - một trong nhiều bản Mông du canh du cư về huyện - làm điểm đến. Ở bản, ngoài dòng họ Sồng có quê gốc ở xã Hồng Ngài, còn có một số hộ ở các huyện Trạm Tấu và Văn Chấn của tỉnh Yên Bái cùng di cư sang. Trưởng bản Pha Luông hiện tại là ông Sồng A Tủa, người đã được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, của huyện và các cấp, các ngành ghi nhận những đóng góp của ông trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở bản vùng biên này. Trong ngôi nhà gỗ ba gian dựng theo kiểu nhà truyền thống của đồng bào Mông, Trưởng bản Tủa cởi mở kể chúng tôi nghe bao chuyện vui buồn của cuộc mưu sinh. Ông bảo, bà con đến Pha Luông định cư năm 1986, khi đó bản chỉ có 42 hộ dân, một nửa trong số đó có gốc gác tổ tiên mãi bên núi Tà Xùa, sau di cư về Hồng Ngài, số còn lại là người Mông ở các huyện Văn Chấn và Trạm Tấu chuyển đến. Trước đó, Trưởng bản cũ là ông Sồng A Vừ, nhà tận bản Tà Phềnh, xã Tân Lập lên Bắc Yên “rỉ tai” rằng, vùng đất Pha Luông tốt hơn Hồng Ngài rất nhiều, đến đấy sống sẽ chẳng phải lo gì cái ăn, cái mặc... và thế là chỉ gần một năm sau, đã diễn ra cuộc hành hương như đã kể trên. Ông Tủa còn kể rõ từng chi tiết, vì đường xa nên cả bản góp tiền thuê xe chở phụ nữ, người già và trẻ em, nhà nào cũng chỉ mang theo xoong nồi, bát đũa và vài chiếc chăn chiên, dắt theo mấy con lợn, cùng trâu, bò và một nắm hạt giống cây trồng để làm “kế sinh nhai”.

Những năm 1986-1989, bản Pha Luông được gọi là cụm dân cư thuộc xã Lóng Sập, dưới sự dẫn dắt của hai Trưởng bản là Sồng A Vừ và Sồng A Lâu. Đến cuối năm 1989 mới có quyết định thành lập bản, lấy tên là Pha Luông. Ông Sồng A Tủa khi đó mới 20 tuổi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản và giữ chức đó cho đến tận hôm nay.

 

Vẫn theo lời ông Tủa, khi mới đến, vùng đất này hoang sơ lắm, cách biên giới hai nước Việt Nam - Lào chỉ chừng 6 km, cây rừng chủ yếu là tre, trúc và cây hỗn tạp. Để có đất ở và sản xuất, người dân chặt tre, phá trúc dựng lán để ở, phá rừng làm nương rẫy, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày để lấy cái ăn. Và, cái thứ kiếm ra nhiều tiền thời điểm đó, chính là trồng cây thuốc phiện. Pha Luông trở thành một trong những bản trồng nhiều thuốc phiện nhất huyện Mộc Châu, bình quân mỗi hộ trồng 1 ha, có hộ nhiều hơn. Thời kỳ 1986-1992, có tới 30 hộ dân trong bản có người nghiện, cuộc sống làm gì chẳng khó? Do địa hình hiểm trở, hoàn toàn tách biệt với xung quanh, thành ra Pha Luông hội đủ “4 không” (không điện, không đường, không trường học, không trạm xá). Không thỏa mong muốn về cuộc sống sung túc ở mảnh đất mới, cái đói, cái nghèo thì vẫn đeo đẳng, 10 năm sau khi đặt chân đến, 30/72 hộ dân Pha Luông rủ nhau di cư vào Thanh Hóa, khiến các hộ ở lại chẳng còn tâm trí làm ăn, cứ dao động giữa đi hay ở?

 

Xuống núi định cư

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con.

 

Mộc Châu là một trong những địa phương có nhiều bản Mông chuyển đến định cư, để ổn định đời sống và khắc phục tình trạng du canh, du cư của đồng bào, Ban định canh định cư huyện Mộc Châu được thành lập tháng 7/1990, có nhiệm vụ tham mưu cho huyện vận động bà con người Mông định cư, hỗ trợ các bản đặc biệt khó khăn, vận động các bản vùng sâu, vùng xa chuyển về sinh sống ở những địa điểm mới, tạo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi hay tin 30 hộ dân bản Pha Luông bỏ đất, du canh du cư vào Thanh Hóa, huyện Mộc Châu đã cử đoàn công tác vào bản tìm hiểu rõ nguyên nhân, vận động bà con ở lại. Đồng thời, đoàn công tác đề xuất phương án chuyển bản Pha Luông về nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Trong cuộc họp bản giữa năm 1996, Ban quản lý bản không chỉ tuyên truyền mà còn chỉ rõ nguyên nhân những bản của các dân tộc anh em khác khi sinh sống ổn định, có cuộc sống khá giả; khẳng định nếu cứ tiếp tục di cư, chưa chắc nơi ở tiếp theo sẽ cho bà con cuộc sống giàu có; vậy là, những hộ còn lại quyết định không di cư nữa.

Mảnh nương bạc màu trước đây được người dân bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) cải tạo lại để trồng chanh leo.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Thế Hiệu, nguyên Trưởng Ban định canh định cư huyện Mộc Châu những năm đầu của thế kỷ XXI. Mặc dù đã nhiều năm trôi qua, khi nhắc lại chuyện cũ, ông Hiệu vẫn nhớ rất rõ quá trình tuyên truyền bà con dân tộc Mông định canh định cư. Ông kể, do tách biệt hoàn toàn với các khu dân cư khác, muốn đến được Pha Luông, đoàn công tác phải đi từ sáng sớm đến xã Chiềng Sơn, đi bộ vượt rừng 5-6 tiếng đồng hồ nữa mới đến được bản. Còn vật chất hỗ trợ bà con, chỉ còn cách chở đến bản Bó Sập, xã Lóng Sập rồi hẹn bà con ra lấy về. Sau nhiều cuộc họp bàn, huyện quyết định chuyển bản Pha Luông về vị trí mới để có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Đoàn công tác chia thành nhiều nhóm nhỏ vào bản cùng ăn, cùng ở để vận động, giải thích cho người dân hiểu về lợi ích của việc định cư. Với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, sau hơn một năm kiên trì vận động, người dân Pha Luông mới đồng ý chuyển đến nơi ở mới dưới chân ngọn Pha Luông. Sau 15 năm di chuyển, diện mạo Pha Luông giờ đã khởi sắc về nhiều mặt.

 (Còn tiếp)

Huy Ngoan - Khải Hoàn

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới