Củng cố, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn đã tạo chuyển biến tích cực tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở huyện Mai Sơn, không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng.

Mai Sơn đã hoàn thành, duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đảm bảo đúng kế hoạch đề ra; tỷ lệ huy động trẻ đến trường hàng năm đạt từ 99% trở lên đối với cấp mầm non, 99,9% đối với cấp tiểu học, 98% đối với cấp trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh đi học lên cấp trung học phổ thông 71%; giáo dục học nghề, giáo dục thường xuyên tăng; công tác xóa mù chữ cho người lớn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái được quan tâm.

Thể dục giữa buổi tại Trường tiểu học & THCS Nà Ban, xã Hát Lót (Mai Sơn).

             

Trao đổi về công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn, ông Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn, cho biết: Là cơ quan thường trực tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị khóa XI ở địa phương, phòng Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác phổ cập giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Đổi mới công tác tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo đảm bảo công bằng, khách quan, trọng người tài. Định kỳ rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; cử cán bộ quản lý, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Rà soát, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo cân đối về cơ cấu các môn học, về trình độ giữa các trường, các vùng trong toàn huyện. Bố trí giáo viên đảm bảo yên tâm công tác, tạo điều kiện phát triển chuyên môn, năng lực sư phạm.

             

Mai Sơn đã huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ công tác phổ cập giáo dục. Toàn huyện có 1.808 phòng học, trong đó: 1.016 phòng học kiên cố, đạt 56,2%; có 496 phòng học bán kiên cố, chiếm 27,3%; còn 79 phòng học tạm, mượn, chiếm 18,4%. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đạt 98%; được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non. Từng bước hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở những xã chưa đạt chuẩn; từng bước tiến hành phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện theo quy định của Chính phủ. Tăng cường hỗ trợ giúp các xã đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỷ lệ người tái mù chữ ở người lớn; toàn huyện đã mở 42 lớp với 1.346 học viên. Thực hiện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng dẫn tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

             

Ông Phạm Văn Khanh cho biết thêm: Công tác phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa được đặc biệt quan tâm. Ngoài thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, toàn huyện đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức được bếp ăn bán trú cho 12 trường học thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và bản đặc biệt khó khăn cho 30.000 lượt học sinh. Nhờ vậy, học sinh yên tâm học tập, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học rõ rệt. Triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án “tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, nên số học sinh dân tộc ra lớp hàng năm đạt 80%; học sinh dân tộc được tăng cường tiếng Việt đạt trên 98%.

             

Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mai Sơn tiếp tục cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển toàn diện.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới