Công viên nghĩa trang - Hình thức an táng văn minh, hiện đại

Cùng Đoàn công tác của tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng nghĩa trang tại hai tỉnh Phú Thọ và Hải Dương, chúng tôi thực sự ấn tượng về công tác quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang - hình thức an táng văn minh, hiện đại.

Du khách tham quan Công viên nghĩa trang Thiên Đức (Phú Thọ).

Vẻ đẹp của công viên... nghĩa trang

Dự án Công viên nghĩa trang Thiên Đức (Thiên Đức Vĩnh hằng viên) có tổng diện tích 140 ha, tọa lạc trên 9 quả đồi và một hồ nước tự nhiên tại 2 xã Trung Giáp và Bảo Thanh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Để tham quan khuôn viên, chúng tôi di chuyển bằng xe điện theo những con đường uốn lượn quanh các quả đồi. Vẻ đẹp của các công trình kiến trúc, cách sắp xếp vườn hoa, cây cảnh đảm bảo các yếu tố phong thủy tâm linh, tạo sự hội tụ giao cảm hài hòa âm dương. Tại đây, các khu được chia lô, phân khu rõ ràng và có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, môi trường hiện đại. Nghĩa trang Thiên Đức được thiết kế phủ xanh tối đa với rất nhiều loại hoa, cây cảnh mang về từ nhiều vùng miền trong cả nước. Các công trình trong công viên đều mang dáng dấp kiến trúc hiện đại, với nhiều hạng mục công trình, như: Đại lộ mùa xuân, vĩnh hằng môn, hồ lục thủy, nhà hỏa táng, nhà tang lễ, chùa Thiên Long, tượng phật Thích Ca A Di Đà, trục thần đạo dài 1km với 500 pho tượng La Hán. Đặc biệt, Thiên Đức Vĩnh hằng viên không chỉ là nơi an táng người quá cố mà còn nơi du lịch tâm linh, có nhà chùa,  khu vui chơi, những bãi cỏ xanh mát. Khi đi bộ ngắm cảnh khuôn viên, đứng bên hồ Lục Thủy ngắm bức tượng Phật Di Lặc cao 33m trên đồi Đại Phúc và tượng phật A Di Đà cao 48m trên đồi Đại An, cảm thấy công viên thực sự là nơi hội tụ của sự giao cảm hài hòa giữa  trần thế và cõi vĩnh hằng.

Chứng kiến một gia đình tận Điện Biên đưa người quá cố xuống hỏa táng, chúng tôi thấy nghi lễ diễn ra trật tự, nghiêm trang, thành kính, đầy đủ nhưng không rườm rà, tốn kém, cũng không kèn trống, không rải vàng mã... Công viên nghĩa trang Thiên Đức đang áp dụng công nghệ lò hỏa táng Tabo thế hệ thứ 4-2015, sử dụng các công nghệ hiện đại nhất với hệ thống buồng đốt sơ cấp, thứ cấp, hệ thống làm lạnh, xử lý không khói, không bụi, không mùi. Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Vũ Tiến Dũng, Trưởng khoa Tiểu học Mầm non Trường Đại học Tây Bắc cho biết: Tham quan công viên nghĩa trang, lò hỏa táng Thiên Đức, tôi thấy xã hội ngày càng phát triển, việc hỏa táng, an táng trong nghĩa trang công viên như thế này là hoạt động rất cần thiết trong một xã hội văn minh. Còn ông Đặng Ngọc Tài, Bí thư chi bộ tổ 2, phường Quyết Tâm (Thành phố) nhận định: Tôi thấy nhu cầu chung của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La cũng rất cần có lò hỏa táng, thuận lợi cho nhân dân khi có người thân bị mất; vì không phải đi một chặng đường xa tới các lò hỏa táng dưới xuôi, chi phí tốn kém, mà việc di chuyển còn rất đáng lo ngại về vấn đề an toàn giao thông...

Nhu cầu sử dụng dịch vụ hỏa táng đang ngày càng cao

Tại tỉnh Hải Dương, chúng tôi đến tham quan Nghĩa trang của thành phố tọa lạc tại địa phận phường Hải Tân, đây là nghĩa trang được cải tạo từ nghĩa trang Tân Cương; bên cạnh là nghĩa trang nhân dân phường Hải Tân và nghĩa trang xã Tân Hưng. Ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Giám đốc Công ty Quản lý công trình đô thị môi trường tỉnh Hải Dương cho chúng tôi hay: Trước đây, đơn vị chỉ mai táng, khoảng cách nghĩa trang rất gần khu dân cư sinh sống. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, tỉnh, thành phố nhất trí đầu tư xây dựng lò hỏa táng thay vì trước đây bà con ta thường sử dụng hình thức địa táng. Nhà hỏa táng được xây dựng năm 2011, cuối năm 2012 đưa vào sử dụng đã giải quyết được bài toán người dân muốn đưa người mất đi hỏa táng phải đi tận Hải Phòng, Hà Nội; thêm nữa, quỹ đất của nghĩa trang được duy trì, toàn bộ nghĩa trang không phải mở rộng.

Tìm hiểu được biết, tỉnh Hải Dương có chủ trương đóng cửa những nghĩa trang nhỏ, nên đã đầu tư xây dựng Nghĩa trang thành phố Hải Dương. Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Đức Sáu, nhu cầu sử dụng dịch vụ hỏa táng của nhân dân trong tỉnh đang ngày càng tăng, như năm 2018,  thành phố Hải Dương chỉ có 63 đám mai táng, chiếm tỷ lệ 9% tổng đám hiếu, tiết kiệm quỹ đất nhiều. Hải Dương cũng đang mở rộng thêm 3 ha quy hoạch chủ yếu là mộ cát táng, được xây theo hàng lối, kích thước rõ ràng, các mộ được xây kín bằng bê tông, bên dưới có đường thoát nước vào một bể chung để xử lý hóa chất, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Qua đi tham quan, nghiên cứu mô hình các nghĩa trang ở 2 tỉnh, anh Quàng Văn Phanh, Trưởng Ban công tác mặt trận bản Buổn, phường Chiềng Cơi (Thành phố), nói: Tôi thấy phù hợp với quỹ đất hiện có của tỉnh quy hoạch xây dựng nghĩa trang hiện nay, lại rất sạch sẽ, văn minh. Ta nên tuyên truyền, vận động bà con đồng thuận xây dựng Nghĩa trang thành phố Sơn La, vì rất an toàn, không lo đến môi trường, lại không sợ ô nhiễm.

 

Hiểu đúng về dự án Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La

 

Hiện nay, một số thông tin cho rằng, đường đi vào Dự án Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La, theo tuyến đường đổ bê-tông vào khu sản xuất của nhân dân bản Buổn, phường Chiềng Cơi (gần Trường Đại học Tây Bắc) là không chính xác. Tuyến đường duy nhất vào nghĩa trang là tuyến đường Lê Đức Thọ (tổ 14, phường  Quyết Thắng) đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh rồi rẽ theo đường đi vào khu Phiêng Khá (bản Buổn, phường Chiềng Cơi). Hiện nay, Thành phố đang thi công mở tuyến đường nối vào dự án xây dựng nghĩa trang. Theo quan sát của chúng tôi, Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La phía Bắc giáp núi đá, giáp đất sản xuất của dân cư bản Buổn, phường Chiềng Cơi; phía Đông giáp bãi rác bản Khoan (hiện không hoạt động); phía Tây giáp núi đá và đất thuộc quản lý của Bộ CHQS tỉnh. Đặc biệt, khu quy hoạch xây dựng nằm tách biệt trong thung lũng, bốn hướng đều có các dãy núi cao vây quanh đảm bảo yên tĩnh, tầm nhìn từ các hướng đều không gây mất mỹ quan...

Thành phố đang thi công mở tuyến đường vào Dự án Nghĩa trang nhân dân Thành phố theo đường Lê Đức Thọ

(tổ 14, phường  Quyết Thắng) đến khu vực Phiêng Khá (bản Buổn, phường Chiềng Cơi).

Ông Đinh Quang Hưng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Lạc viên cho biết: Với mục tiêu mang lại mô hình công viên nghĩa trang văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với văn hóa tín ngưỡng của người Việt; đồng thời, thay đổi quan niệm về nghĩa địa truyền thống của người dân Sơn La, đơn vị đã nghiên cứu quy hoạch lựa chọn mô hình nghĩa trang “Công viên tưởng niệm” tại thành phố Sơn La. Đây là một mô hình có giá trị kiến trúc và bảo tồn sinh thái; thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng của nhân dân. Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La xây dựng mới sẽ có diện tích 40 ha. Trong đó, diện tích lập quy hoạch 19,81 ha, gồm các hạng mục: Khu địa táng; khu lưu tro; khu tâm linh; khu phục vụ nghi lễ truyền thống; công trình công cộng; hệ thống cây xanh công viên; hệ thống hạ tầng kỹ thuật phụ gồm điện, nước, sân bãi đỗ xe, đường giao thông… Sau khi đưa vào sử dụng, nghĩa trang sẽ cung cấp các dịch vụ về an táng người quá cố, đảm bảo vệ sinh môi trường. Dự kiến, khu nghĩa trang mới sẽ có 2 lò hỏa thiêu (1 lò chính thức, 1 dự phòng). Công nghệ hỏa táng sẽ là công nghệ tiên tiến của Thụy Điển, quá trình hoạt động không có khói, không mùi; hằng năm đều có cơ quan quản lý về môi trường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu quan trắc về khí thải, nước thải, mức độ ô nhiễm... nhằm bảo đảm đúng các quy chuẩn.

Một vấn đề cấp bách, thúc đẩy phải sớm xây dựng mới Nghĩa trang nhân dân Thành phố Sơn La đó là Nghĩa trang Bó Ẩn (tại tổ 3, phường Quyết Tâm) đưa vào sử dụng từ năm 1993 theo mô hình nghĩa trang truyền thống, tổng diện tích khoảng 10 ha, nhưng sau mấy chục năm khai thác đã quá tải, dù đã có những chỉnh trang; sau khi rà soát quỹ đất và sắp xếp mộ chí, diện tích đất an táng còn lại chỉ còn khoảng trên 10%, dự kiến sau năm 2020 sẽ sử dụng tối đa công suất khai thác được tại đây. Bên cạnh đó, hiện nay, số gia đình có nhu cầu hỏa táng khi người thân qua đời ở thành phố Sơn La tăng cao (năm 2017 là 99/294; 10 tháng năm 2018 là 102/291). Tuy nhiên, toàn bộ các trường hợp hỏa táng đều phải đưa về các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Phú Thọ... để thực hiện, mất nhiều thời gian, hao tổn sức khỏe và tài chính của người dân; đồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về an toàn giao thông.

Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Khi khảo sát địa điểm, quy hoạch thì trách nhiệm của Nhà nước, của tỉnh phải bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt ở các khu dân cư xung quanh. Về môi trường, cảnh quan cũng phải được đảm bảo theo quy định đã được phê duyệt, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân, trong đó có sinh viên của Trường Đại học Tây Bắc.

Dự án Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La được lựa chọn như mô hình dự án Công viên nghĩa trang Thiên Đức của Phú Thọ. Dự án bảo đảm mô hình cảnh quan, bảo tồn sinh thái và có giá trị kiến trúc; thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng của nhân dân thành phố Sơn La. Đại đa số nhân dân đã đồng thuận với chủ trương của tỉnh triển khai xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng tại khu vực Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa đồng thuận với địa điểm đặt nghĩa trang, do còn lo ngại về ảnh hưởng môi trường. Với trách nhiệm của mình, Thành phố và các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, vận động và tiến hành các bước triển khai xây dựng Nghĩa trang theo đúng quy trình, quy định, hợp lý, hài hòa, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới