Công việc nhà nông tháng 5

Người dân xã Phiêng Ban (Bắc Yên) trồng cỏ nuôi đại gia súc nhốt chuồng. 

Ảnh: Phạm Đức

1. Trồng trọt: Tiếp tục tập trung gieo trồng cây trên nương: ngô lai, đậu tương, lạc...; trồng lúa cạn bằng các giống lúa LC93.1, LC93.4 và giống địa phương chất lượng phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương, kết thúc trong tháng 5. Chăm sóc bón phân mía gốc, tiếp tục chăm sóc mía mới trồng. Trồng xong bông cỏ, bông lai chính vụ. Tiếp tục trồng cà phê, cây ăn quả và chăm sóc diện tích trồng mới. Chăm sóc chè sau các đợt hái. Trồng mới các giống chè giâm cành. Trồng rau đay, rau dền, mồng tơi, rau muống, rau má, su su, gấc, mướp, mướp đắng, đậu đũa, đậu co ve. Dự trữ giống cây trồng cho công tác khắc phục hậu quả lũ bão và thiên tai khác cho vụ lúa mùa. Gieo mạ mùa sớm (với các giống nếp đặc sản tan nhe, nếp thơm, giống nếp dài ngày) trên chân ruộng 1 vụ. Phòng trừ các loại sâu, bệnh hại như: Bệnh đạo ôn trên lúa xuân, bệnh chổi rồng hại sắn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá trên lúa xuân; phòng trừ rầy trên mạ trước nhổ cấy, đặc biệt những vùng vụ trước đã bị bệnh. Ghép cải tạo cây hồng giòn, cam, bưởi, quýt.

2. Chăn nuôi: Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia súc, gia cầm; theo dõi động dục và phối giống cho đàn trâu, bò cái sinh sản. Tiếp tục trồng các loại cây thức ăn cho gia súc; chăm sóc và thu hoạch diện tích cỏ trồng hiện có. Rà soát, tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới nhập đàn, mới sinh, gia súc chưa được tiêm phòng vụ chính. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Di chuyển đàn ong khai thác mật hoa rừng cuối vụ kết hợp khai thác ong non, loại nốt cầu ong già, xấu, loại bỏ đàn ong già, bệnh.

3. Thủy sản: Nuôi vỗ cá trắm cỏ bố mẹ chuẩn bị cho đẻ lần 2. Tiếp tục cho các loài cá khác sinh sản và ấp trứng ba ba. Tiếp tục ương cá bột, cá hương, cá giống các loại. Chăm sóc cá thương phẩm ở ao, ruộng, hồ chứa, lồng bè. Tiếp tục chăm sóc, quản lý cá lồng; phòng trị bệnh cho cá trắm cỏ. Thả giống tôm càng xanh.

* Lưu ý: Cá trắm cỏ mùa mưa hay bị dịch bệnh đốm đỏ..., vì vậy cần làm tốt phòng bệnh cho cá trắm cỏ. Đề phòng những trận mưa lũ đầu mùa để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

4. Lâm nghiệp: Kết thúc thời vụ trồng rừng đối với tre Bát độ, Điền trúc trước 15/5; bạch đàn, keo các loại có thời vụ trồng kết thúc trước 30/5. Trồng Thông mã vĩ, thông ba lá, sơn tra, tếch, lát hoa, luồng... Kiểm tra trồng dặm cây bị chết. Xử lý và gieo hạt Tếch (Tếch Stump). Chuẩn bị gieo ươm giống tre, luồng hom tay. Phát hiện và phòng trừ sâu róm thông. Tiến hành đảo bầu, phân loại cây giống chuẩn bị cho nghiệm thu xuất vườn đối với các loài cây: Thông mã vĩ, sơn tra, lát hoa, xoan nhừ...; vệ sinh rừng, nghiệm thu sau khai thác lâm sản; nghiệm thu bước 1 công tác phát dọn thực bì, cuốc hố, lấp hố chuẩn bị cho trồng rừng.

5. Thủy lợi, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cấp nước sinh hoạt: Tổ chức thường trực công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 24/24h; xử lý các tình huống khắc phục hậu quả do lũ bão, thiên tai gây ra.  Tổ chức tập huấn công tác nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn cho cán bộ Ban quản lý công trình cấp nước, y tế thôn bản, cán bộ cơ sở của xã. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước, hoặc hạng mục của công trình cấp nước xong trước mùa mưa.

Vân Anh

(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới