Công việc của những người kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

An toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm luôn được nhiều người dân quan tâm. Tuy nhiên, rất ít người biết đến công việc của những người làm công tác kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm. Hằng ngày họ phải dậy từ sáng sớm, thầm lặng thực hiện nhiệm vụ dù trời mưa hay gió rét.

 

Cán bộ kiểm soát giết mổ Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố kiểm tra

chất lượng thịt lợn của các hộ kinh doanh tại chợ Chiềng An.

 

Như đã hẹn trước, đúng 5 giờ sáng, chúng tôi cùng các cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố đi kiểm tra cơ sở giết mổ gia súc. Lúc này ngoài trời vẫn còn tối và rét, chúng tôi đi xe máy tới cơ sở giết mổ lợn của chị Lường Thị Hương, bản Cá, phường Chiềng An. Khi đến, đúng lúc chủ nhà đang lọc thịt trên chiếc bàn bằng đá để chuẩn bị đem ra chợ bán; xung quanh nền khu giết mổ được láng xi măng sạch sẽ, nội tạng gia súc chia theo từng loại đựng trong các thau nhựa, còn nước thải thì chảy xuống bể biôgas.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, ông Lường Ngọc Sơn đeo găng tay nilon lật giở và ngửi từng miếng thịt để kiểm tra, rồi dùng con dấu đóng vào miếng thịt đạt chất lượng. Vừa làm, ông Sơn vừa giải thích: Đây là con lợn bản được nuôi lâu, không ăn cám tăng trọng vì nạc và mỡ rất dày, miếng thịt còn ấm, màu mỡ trắng phau, thịt nạc hồng tươi, ấn vào có độ đàn hồi, khi ngửi không có mùi hôi hoặc thuốc kháng sinh, chứng tỏ con lợn khỏe mạnh, không bị ốm. Còn chị Lường Thị Hương chủ cơ sở giết mổ thì bộc bạch: Gia đình tôi đã làm nghề gần chục năm với hầu hết là khách quen. Vì vậy, ngay khi mua lợn về thịt, tôi phải chọn con lợn ngon, khỏe mạnh thì mới mua; còn con lợn ốm yếu hoặc chất lượng kém mà mua về thịt sẽ mất khách. 

Theo kinh nghiệm của ông Sơn, con lợn bị ốm, không đạt tiêu chuẩn giết mổ sẽ có biểu hiện trên miếng thịt màu sắc khác thường, nhợt nhạt hoặc màu vàng, miếng thịt nhũn, có mùi hôi hoặc mùi thuốc kháng sinh, khi lấy ngón tay ấn mạnh miếng thịt kém đàn hồi hoặc có nước chảy ra... Ông Sơn cho biết thêm: Nhiều người có thắc mắc, bây giờ mua thịt lợn ít thấy có dấu của cán bộ thú y, nhưng kỳ thực con dấu ngày trước là dấu lăn bản to, sau khi kiểm tra giết mổ xong, cán bộ thú y sẽ dùng dấu lăn dọc hai bên lưng từ đầu xuống mông của con lợn. Còn bây giờ chỉ dùng dấu nhỏ và phải đóng theo quy định ở 3 điểm là cổ, bụng và mông. Tuy nhiên, dù đã được kiểm tra, nhưng đến khi đóng dấu thì nhiều chủ cơ sở lại xin thôi vì sợ miếng thịt dính mực khó bán.

Được biết hiện nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố chỉ có 6 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn rộng, toàn Thành phố hiện có hơn 100 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và 10 chợ kinh doanh nằm rải rác ở các phường, xã, vì vậy việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm rất khó khăn. Theo quy trình thì cán bộ kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm phải kiểm tra gia súc, gia cầm trước, trong và sau khi giết mổ. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi ngày một cán bộ kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm ở Thành phố chỉ kiểm tra tối đa được từ 1-2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, rồi lại đến chợ để kiểm tra tiếp. Do các cơ sở ở cách xa nhau, lại cùng giết mổ vào một thời gian trong ngày khoảng từ 4-5 giờ sáng, vì vậy khi kiểm tra xong cơ sở này thì cơ sở khác đã giết mổ xong và đưa thịt ra chợ bán. Hơn nữa, còn một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo mùa vụ thu hoạch nông sản rất khó kiểm soát. Anh Trần Văn Sáng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố, cho biết: Để thực hiện công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm được tốt hơn, Ngành nông nghiệp đã tham mưu với HĐND và UBND tỉnh quy hoạch 2 lò mổ tập trung tại xã Chiềng Xôm và xã Chiềng Sinh (Thành phố) bằng nguồn vốn xã hội hóa từ mấy năm trước. Đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn bỏ vốn đầu tư, nhưng lại lo sợ sau khi xây xong lò mổ tập trung sẽ không thu hút được các cơ sở giết mổ vào hoạt động.

Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện mô hình lò mổ gia súc, gia cầm tập trung hiệu quả như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Để công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh và chất lượng an toàn thực phẩm thì việc đầu tư xây dựng lò mổ tập trung, cách xa khu dân cư theo nguồn vốn xã hội hóa ở tỉnh ta là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, tỉnh ta cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân liên kết đầu tư lò mổ tập trung. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các chợ và các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động và yêu cầu các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ký cam kết hoạt động tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung do các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng. Có như vậy, các doanh nghiệp, cá nhân mới yên tâm đầu tư các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch của tỉnh.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới