Công tác quản lý thị trường ở Sốp Cộp

Với địa bàn rộng, gồm 8 xã, cơ sở vật chất hạ tầng còn nhiều khó khăn, giao thông không thuận lợi, Đội Quản lý thị trường số 11 huyện Sốp Cộp luôn nỗ lực để quản lý kiểm soát mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

 

Tổ kiểm tra liên ngành huyện Sốp Cộp kiểm tra hộ kinh doanh tạp hóa trên địa bàn xã Sốp Cộp

Theo chân những cán bộ của Đội đến xã Mường Và, cách trung tâm huyện khoảng 3 km, càng hiểu thêm những khó khăn, vất vả của các anh. Tại trung tâm xã có khá nhiều cửa hàng, kinh doanh nhiều loại hàng hóa như lương thực, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, quần áo, bánh kẹo, mỹ phẩm... Kiểm tra đột xuất quầy tạp hóa của ông Trần Văn Chất, kinh doanh tại bản Mường Và, chủ hộ không đưa ra được những giấy tờ liên quan đến tất cả các mặt hàng hiện có. Ông Chất thanh minh: Những mặt hàng của gia đình kinh doanh chủ yếu được nhập từ địa bàn các tỉnh Nam Định, Hưng Yên và huyện Mai Sơn, Sông Mã, Thành phố Sơn La... do các chủ đại lý vận tải hàng hóa vào tận nơi, lại chỉ nhập nhỏ lẻ nên người bán không cung cấp hóa đơn bán hàng! Tiếp tục đến quầy hàng tạp hóa của bà Đoàn Thị Luyến Bạch, bản Hua Mường. Quầy bán các mặt hàng gia dụng, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, bánh kẹo... Khi tổ công tác phát hiện một số dây sữa tươi đã hết hạn sử dụng, 4 chai dầu gội đầu giả nhãn hiệu SaSaBa và 4 chai dầu gội có nhãn hiệu KA’FEN nhập lậu, bà Bạch lý giải: Tôi cũng mới mở cửa hàng được 2 tháng, những mặt hàng mì chính, mỹ phẩm đều do các chủ hàng mang vào tận nơi mời chào, nên không nắm rõ nguồn gốc. Do chưa biết mặt hàng nào bán chạy, tôi đã tham khảo thị trường trung tâm huyện, thấy quầy hàng nào cũng có mặt hàng này nên tôi nhập về, chứ không hề biết đây là hàng giả hay là hàng nhập lậu.

Theo báo cáo của Đội Quản lý thị trường huyện, Sốp Cộp hiện có 379 cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó, 355 hộ kinh doanh, 11 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, còn lại kinh doanh hình thức kho bãi. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là: lương thực, thực phẩm tươi sống, rượu bia, nước giải khát, bánh, kẹo, thuốc lá, hoa quả, quần áo, sách vở, thiết bị văn phòng phẩm... Các hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường khá sôi động, hàng hoá phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Những loại hàng hóa nhập lậu vào địa bàn chủ yếu thuộc nhóm máy phun thuốc trừ sâu, cưa máy, máy cắt cỏ, đồng hồ, mỹ phẩm, hàng may mặc, đồ điện tử... vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào tiêu thụ ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Đối với kinh doanh thực phẩm cũng có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, kinh doanh buôn bán, vận chuyển, giết mổ, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn tồn tại, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 76 vụ, Đội đã xử lý 28 vụ vi phạm, phạt tiền gần 67 triệu đồng.

Ông Lã Tuấn Anh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 Sốp Cộp, cho biết: Công tác kiểm tra, xử lý của Đội còn nhiều khó khăn, do kiểm nghiệm mẫu hàng hóa vi phạm chưa kịp thời; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập; khó kiểm soát các loại hàng hóa thực phẩm; hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại hết sức phức tạp, chưa kể một số cơ sở kinh doanh cố tình  tẩu tán hàng hóa hoặc đóng cửa để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Để công tác quản lý thị trường trên địa bàn đạt hiệu quả, ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần ổn định sản xuất và thị trường.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới