Cơn khát nguồn cung năng lượng

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt, trong đó có Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), gia tăng sản lượng để kiềm chế giá xăng. Trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu cho Mỹ và châu Âu bị sụt giảm mạnh bởi cuộc xung đột Ukraine và việc Nga cắt giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhiều nước phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế.

Nhà máy lọc dầu Venezuela (Ảnh THE WALL STREET JOURNAL).

Giá khí đốt tại Mỹ đã tăng vào đầu năm nay nhưng trở nên trầm trọng hơn sau cuộc xung đột Ukraine làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu. Giá năng lượng, dẫn đầu là khí đốt, đã tăng 5% chỉ trong tháng 5 so với tháng 4. Trong khi đó, châu Âu cũng đang dần cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt. Lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở dưới lòng đất ở châu Âu lần đầu giảm xuống kể từ giữa tháng 4 vừa qua. Theo dữ liệu mới nhất, kho dự trữ khí đốt của “lục địa già” đã giảm 1%. Tình trạng sụt giảm lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga đã buộc châu Âu phải sử dụng nguồn khí đốt dự trữ, vốn được tích lũy để tiêu thụ trong thời gian cao điểm của mùa đông sắp tới.

Nhiều nước vốn tiêu thụ nhiều nhiên liệu đã vận dụng hết khả năng để bảo đảm đủ nguồn cung năng lượng. Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tất cả các nhà cung cấp năng lượng toàn cầu, cả OPEC cũng như các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt trong nước, tăng sản lượng. Mới đây, ông Biden đã gửi thư cho giám đốc điều hành các tập đoàn dầu mỏ để kêu gọi họ làm việc với chính phủ nhằm giải quyết vấn đề tăng giá. Tổng thống Biden đồng thời cảnh báo sẵn sàng sử dụng quyền khẩn cấp của ông để tăng sản lượng và công suất nhà máy lọc dầu. Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden khi giá xăng cao kỷ lục, đạt mức trung bình 5 USD/gallon trên toàn nước Mỹ.

Tại châu Âu, Chính phủ Áo thông báo sẽ mở cửa lại nhà máy điện than nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp chính phủ, với trọng tâm chính là ứng phó khủng hoảng năng lượng để có thể sản xuất điện từ than đá nếu được yêu cầu trong trường hợp khẩn cấp. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết, mục tiêu đầu tiên của chính phủ là bảo đảm nguồn cung năng lượng, trong bối cảnh 80% nguồn cung khí đốt của Áo đến từ Nga. Áo đang tìm cách thay thế nguồn cung từ Nga, đồng thời tăng cường lưu trữ khí đốt. Tính đến giữa tháng 6, Áo dự trữ được khoảng 39% sản lượng điện.

Đức cũng thông báo sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bù đắp sự thiếu hụt do nguồn cung từ Nga giảm. Đức sẽ tăng sử dụng than. Bộ Kinh tế Đức nhấn mạnh, phải sử dụng ít khí đốt hơn để tạo ra điện. Thay vào đó, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá sẽ được huy động. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận sai lầm trong chính sách kinh tế của Đức trong những năm gần đây là đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga mà không xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể nhanh chóng thay đổi hướng đi trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Trong khi đó, Hiệp hội giới chủ Italia (Confindustria) cho biết, hóa đơn năng lượng tại Italia được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 5,7-6,8 tỷ euro/tháng, và khoảng 61-81 tỷ euro/năm. Theo số liệu mới nhất, giá xăng dầu bán lẻ trung bình của Italia đã tăng lên hơn 2 euro/lít. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga mới đây thông báo với đối tác Eni của Italia rằng họ giảm 15% nguồn cung khí đốt, trong khi Công ty dầu khí Eni của Italia cho biết sẽ chỉ nhận được 65% khối lượng khí đốt yêu cầu trong một ngày từ Gazprom của Nga. Italia đã đa dạng hóa nhà cung cấp từ các quốc gia như Algeria, Angola, Congo, Libya, Ai Cập, Israel và Mozambique. 

Tại Australia, để kịp thời ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng lan rộng, Cơ quan Quản lý thị trường năng lượng Australia (AEMO) thông báo đóng cửa một số thị trường điện giao ngay ở trong nước. Đây là bước đi chưa từng có tiền lệ của AEMO, cho phép cơ quan này tiếp quản Thị trường điện quốc gia (NEM), qua đó có quyền thiết lập giá bán buôn điện ở tất cả các khu vực mà NEM hoạt động cũng như kiểm soát tất cả các nhà máy phát điện để bảo đảm duy trì cung cấp điện năng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Nhu cầu về nhiên liệu đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, tuy nhiên những nỗ lực hiện nay của các chính phủ chỉ là biện pháp tạm thời nhằm giải “cơn khát” nguồn cung năng lượng.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới