Cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt đặt hàng 92 nhiệm vụ. Các nhiệm KH&CN vụ sau khi nghiệm thu, tổ chức triển khai ứng dụng trong sản xuất và đời sống đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Kiểm tra giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã.

 

Các nhiệm vụ khoa học được các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đề xuất UBND tỉnh phê duyệt đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất của các địa phương, tổ chức. Đơn vị đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cam kết ứng dụng kết quả tạo ra khi nhiệm vụ hoàn thành. Các nhiệm vụ được lựa chọn đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng giải quyết vấn đề đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn cho việc đưa ra những chủ trương định hướng, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Nổi bật trong hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ thực hiện theo cơ chế đặt hàng là các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, như Đề tài “Trồng thử nghiệm một số giống táo mới có năng suất cao, chất lượng tốt tại Sơn La” và các dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm mận chín sớm tại Mộc Châu”; “Xây dựng mô hình nhân nuôi ong mật (Apis cerana) nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La”; sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình chế biến nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ tại huyện Quỳnh Nhai” và mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Mai Sơn... các kết quả nghiên cứu đã được nhân rộng, ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho doanh nghiệp, người dân.

Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 Mộc Châu, đơn vị chủ trì Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm mận chín sớm tại Mộc Châu Sơn La”, chia sẻ: Cơ chế đặt hàng tạo sự liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý và người dân, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng KHCN, mang lại lợi ích cho người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự án mận chín sớm do HTX chủ trì được hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, tiếp cận với nhiều kỹ thuật chăm sóc cây trồng tiên tiến, hiện đại; xây dựng vườn khảo nghiệm các giống mận mới, gồm: October Blood, Unknown, Gulf Beauty, Gulf gold, mận cơm và Rubenal với các yêu cầu về nhiệt độ khác nhau để rồi từ đó lựa chọn các giống mận phù hợp, có các đặc tính tốt để tạo ra sản phẩm giống mận chín sớm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp nông dân sản xuất mận nâng cao giá trị sản phẩm quả tươi, nâng cao thu nhập.

Theo ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX Nam Phượng- Đơn vị tham gia thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nhân nuôi ong mật (Apis cerana), nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La”, Dự án đã hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật trong triển khai mô hình nuôi ong mật, từ kết quả của dự án, các hộ tham gia mô hình có thêm thu nhập 1,5-2 triệu đồng/tổ ong, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tạo thêm thu nhập, việc làm cho bà con vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

Trong thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp và thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đặt hàng trên cơ sở đề xuất, đặt hàng từ các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; xem xét, đánh giá về tính đầy đủ, cấp thiết của các đề xuất, tính khả thi trong ứng dụng, đảm bảo được tính mới, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực, cấp thiết tại địa phương. Thông qua kết quả xác định nhiệm vụ cấp tỉnh của các Hội đồng tư vấn, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đặt hàng tuyển chọn.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông tin: Thời gian tới, Sở sẽ chủ động khảo sát và làm việc với các huyện, thành phố để nắm bắt tình hình và nhu cầu thực tiễn của các huyện để xây dựng triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố, các sở, ngành của tỉnh xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; xây dựng, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN; bàn giao, tiếp nhận kết quả nhiệm vụ KH&CN đưa vào ứng dụng.

Cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN được xem là giải pháp quan trọng gắn khoa học với thực tiễn, giải quyết tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu nhưng thiếu tính ứng dụng. Kết quả nghiên cứu ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN qua đề xuất đặt hàng đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phát triển ngành, địa phương; thay đổi tập quán, canh tác của nông dân theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới