Chuyện về người “vá” những mảnh rừng pơ mu

Hơn 20 năm rồi, cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, anh Lù A Sáy, sinh năm 1976, bản Tà Xùa C, xã Tà Xùa (Bắc Yên) lại cùng gia đình mang cây giống pơ mu lên quả đồi cách nhà mấy km để trồng. Đây là công việc mà anh đã theo đuổi từ khi còn mười tám, đôi mươi, một công việc nhiều người cho rằng “còn khó hơn lên trời”... Ấy vậy mà, nhẫn nại vào rừng nhặt từng hạt pơ mu về ươm, anh Sáy đã “vá” lại được những mảnh rừng pơ mu và được coi là người sở hữu cây pơ mu nhiều nhất Việt Nam, góp phần khôi phục lại giống gỗ quý từng bị khai thác cạn kiệt...

 

Diện tích rừng pơ mu hơn 20 năm tuổi do anh Lù A Sáy trồng.

 

Đau đáu vì rừng

Còn nhớ, lần đầu tôi tình cờ gặp anh Lù A Sáy trong một chuyến đi công tác viết bài về tình trạng phá rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa cách đây khoảng 8 năm. Khi đó, nghe mọi người kể về anh Lù A Sáy là một người “khùng” khi vào rừng tìm hạt pơ mu về trồng - một loại gỗ mà người già vùng cao cho rằng “trồng pơ mu còn khó hơn lên trời”. Thậm chí, đến chúng tôi lúc đó cũng có suy nghĩ chủ quan rằng “Đúng là việc trồng pơ mu là khó và chả biết bao giờ mới được hưởng lợi nếu hạt có nảy mầm”...

Câu chuyện về chàng thanh niên người dân tộc Mông cũng bẵng đi một thời gian dài. Và chuyến công tác vừa rồi có dịp lên với vùng cao xã Tà Xùa, tôi lại vô tình được nghe kể về anh, nhưng lại là câu chuyện về một người đang sở hữu nhiều pơ mu nhất Việt Nam, người đã có công “vá lại những cánh rừng”, người đã làm thay đổi suy nghĩ của đồng bào vùng cao khi cho rằng “cây pơ mu chỉ để khai thác, chứ không thể trồng được”. Câu chuyện về anh Lù A Sáy đã thôi thúc trí tò mò của tôi...

Tìm đến bản Tà Xùa C, nơi có nhà anh Lù A Sáy không khó, vì khi hỏi, ai cũng đều biết anh. Tuy nhiên, con đường đất ngoằn ngoèo, lúc lên lúc xuống, rộng chừng nửa mét dẫn về nhà anh, phía tay phải là tà luy âm lại cực kỳ khó đi. Ngồi sau xe máy phải liên tục nín thở, gồng mình, ghì chặt tay lái vì cảm giác như đang cưỡi trên một con ngựa bất kham...

Thật may, khi tôi đến, anh Sáy đang ở nhà. Nếu chậm chừng 5 phút nữa là 2 bố con anh sẽ lên đồi pơ mu cách đó khoảng 3km. Và cũng theo lời anh Sáy thì quả đồi này rộng chừng 2 ha, trước đây bạt ngàn pơ mu cổ thụ nhưng đã bị chặt làm nhà từ thế hệ cha ông rồi và khi anh Sáy đặt nhát cuốc đầu tiên trồng pơ mu thì lúc đó chỉ là những quả đồi đầy cỏ gianh, không còn bóng dáng cây pơ mu nào...

Bên ấm chè Tà Xùa hương thơm ngào ngạt, một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng cao Tà Xùa, anh Sáy bảo: Cách đây hơn 20 năm, mình cũng từng theo cha ông vào rừng hạ pơ mu về làm nhà. Thấy bà con chặt hạ nhiều cây pơ mu quá, lại thấy xót. Lúc đó, mình cũng có thắc mắc với mọi người thì chỉ thấy người lớn giải thích “đồng bào vùng cao chỉ làm nhà bằng gỗ pơ mu, cây pơ mu sinh ra chỉ để cho người Mông làm nhà” và khi nêu thắc mắc, sao không lấy hạt về trồng, bởi nếu chặt hạ thế này thì sau sẽ không còn pơ mu thì chỉ nhận được sự cười chê cùng ánh mắt hoài nghi của mọi người...

Rót chén chè mời chúng tôi, anh Lù A Sáy kể tiếp: Cũng bởi xót cho những cánh rừng pơ mu, mình còn về bảo gia đình và hàng xóm đừng làm nhà bằng gỗ pơ mu nữa thì chỉ nhận được, tiếng cười nhạo. Thế rồi, khi đó mình trực tiếp vào rừng để lấy hạt về trồng. Còn nhớ, ngày đầu tiên vào rừng lấy hạt pơ mu, không may gặp mưa, sương mù nặng không tìm được hạt, mình phải vào bản Háng Đồng A, xã Háng Đồng xin ngủ nhờ nhà ông Thào A Lù. Khi đó, có cả ông Thào A Chống cũng ở đó, cả 2 ông đều là người già nhất ở bản. Tối đó, trong bữa cơm, nghe mình bảo sẽ vào rừng lấy hạt pơ mu về trồng thì các ông cười phá lên: “Đố Sáy đi lấy được hạt về trồng đấy” và các ông còn thách “Nếu Sáy trồng được pơ mu từ hạt ở rừng thì các già này sẽ không ăn cơm nữa”. Nghe vậy mình không nản, sáng hôm sau vẫn vào rừng tìm hạt về trồng. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, đều thất bại, thậm chí có những lúc cũng định bỏ cuộc, nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh những cánh rừng pơ mu đang ngày đêm bị chặt hạ lại càng thêm quyết tâm hơn...

 

Thành quả từ sự nhẫn nại

 

Trong mạch kể say sưa về quãng thời gian ươm giống pơ mu, anh Lù A Sáy bảo: Làm việc gì cũng thế thôi. Nếu mình không thực sự quyết tâm, yêu nó thì khó có thể thành công. Do vậy, sau những thất bại và bị mọi người cười nhạo không biết bao nhiêu lần, nhưng mình vẫn quyết tâm vào rừng tìm hạt pơ mu về ươm trồng. Vì mình nghĩ đơn giản khi hạt rơi xuống đất vẫn mọc được cây bé thì không lý gì không ươm được cây, chỉ là mình chưa làm đúng cách thôi. Nghĩ như thế nên mình càng quyết tâm hơn, bố mẹ mình khi đó cũng bị mình thuyết phục về ý nghĩa của việc trồng pơ mu và đã chuyển sang ủng hộ mình. Bởi nếu trồng pơ mu để tính lợi về mặt kinh tế thì khó lắm, mình tính cho tương lai, cho con cháu sau này. Chỉ e sau này, con cháu mình không biết cây pơ mu là như thế nào nữa...

Bằng sự quyết tâm, nhẫn nại và yêu rừng, không biết bao nhiêu lần, chỉ biết rằng đó là thời điểm tháng 9 năm 1996, những hạt giống pơ mu được Lù A Sáy mang từ rừng về đã nảy mầm ở khoảnh đất sau nhà, bùng cháy thêm ngọn lửa “vá lại những cánh rừng” đang nhen nhóm trong đầu Sáy. Sau khi hạt pơ mu nảy mầm và những cây pơ mu đầu tiên phát triển trên chính những quả đồi trơ trọi, toàn cỏ gianh thì lúc đó người dân trong vùng mới tin lời anh Sáy. Thậm chí, có người ở các bản, xã bên còn đi bộ đến nhà anh xem cây pơ mu được ươm bằng hạt mang từ rừng về...

Như để minh chứng thành quả đạt được, anh Sáy đã trực tiếp đưa chúng tôi tham quan gần 5 ha từng là những quả đồi trọc, không một bóng dáng cây pơ mu thì nay đã bạt ngàn một màu xanh của những thân cây pơ mu cao từ 8m đến hơn 10m, có chu vi từ 25cm đến 40cm. Để có một quả đồi cây pơ mu như vậy là cả một quãng thời gian hơn 20 năm anh Lù A Sáy miệt mại vào rừng mang hạt về ươm, trồng và chăm sóc.

Không chỉ ươm và trồng thành công pơ mu mà nhiều người cho là “khó hơn lên trời”, anh Sáy còn tự ươm được hàng vạn cây pơ mu, trong đó có cả cây sa mu để phục vụ nhu cầu trồng rừng của các xã vùng cao. Có nhiều người đến đặt vấn đề hỏi mua pơ mu do anh trồng hoặc mua cả quả đồi anh trồng với mục đích lấy gỗ... nhưng anh đã lắc đầu. Vì ngoài mục tiêu phủ xanh đất rừng, anh còn muốn phát triển du lịch cộng đồng bằng chính những diện tích pơ mu do mình trồng.

Tìm hiểu thêm được biết, cấp ủy, chính quyền xã Tà Xùa đã có nghị quyết về việc nhân rộng mô hình trồng cây pơ mu và để phát triển thêm diện tích rừng trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm tới mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc trên địa bàn của xã bằng chính cây pơ mu do anh Lù A Sáy ươm trồng.

Thành quả hơn 20 năm nỗ lực của người thanh niên mười tám, đôi mươi ngày nào giờ đã thành công khi những cánh rừng một thời bị tàn phá đang được phủ xanh, làm thay đổi suy nghĩ của người vùng cao khi cho rằng “Việc trồng pơ mu còn khó hơn là lên trời”. Và trong câu chuyện bộc bạch của mình khi chia tay với chúng tôi, cùng một cái bắt tay chắc nịch như một lời hứa với núi ngàn, anh Lù A Sáy sẽ không dừng ở đó. Bởi trước mắt, anh sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu là cùng xã vận động động bà con khôi phục lại những cánh rừng nguyên sinh giờ chỉ là đồi trọc, khô cằn bằng những diện tích pơ mu...

Quốc Tuấn (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chuẩn bị tổ chức chương trình “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương” năm 2024 tại tỉnh Sơn La

    Chuẩn bị tổ chức chương trình “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương” năm 2024 tại tỉnh Sơn La

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 29/3, Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã làm việc tại tỉnh Sơn La về phối hợp chỉ đạo, tổ chức chương trình “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương” năm 2024.
  • 'Khát vọng và cống hiến

    Khát vọng và cống hiến

    QP - AN - ĐN -
    Những năm qua, các đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ Công an Sơn La đã phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trên mỗi trận tuyến, ở mỗi lĩnh vực công tác, những đoàn viên, thanh niên và những nữ chiến sĩ Công an Sơn La luôn năng động, sáng tạo, góp phần bảo vệ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
  • 'Nhân dân Suối Thín mong sớm hoàn thành tuyến đường bê tông về bản

    Nhân dân Suối Thín mong sớm hoàn thành tuyến đường bê tông về bản

    Xã hội -
    Cách trung tâm xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu khoảng 8 km, từ nhiều năm nay, tuyến đường về bản Suối Thín vẫn còn hơn nửa là đường đất. Mặt đường bụi bặm khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa. Bà con nơi đây mong muốn có được tuyến đường bê tông để đi lại bớt khó khăn, nhọc nhằn và trao đổi hàng hóa thuận lợi.
  • 'Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học ở Sam Kha

    Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học ở Sam Kha

    Khoa Giáo -
    Từ trung tâm huyện vượt hơn 40 km đường đèo, dốc quanh co, chúng tôi đến Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Sam Kha, huyện Sốp Cộp. Những năm qua, thầy và trò nhà trường luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học.
  • 'Nhịp sống mới ở Chiềng Pha

    Nhịp sống mới ở Chiềng Pha

    Xã hội -
    Là xã vùng 3 của huyện Thuận Châu, Chiềng Pha có lợi thế nằm dọc quốc lộ 6, những năm qua, cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
  • 'Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

    Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

    Kinh tế -
    Là vùng cây ăn quả lớn của tỉnh, huyện Yên Châu có trên 11.600 ha cây ăn quả các loại, trong đó hơn 9.000 ha xoài, mận hậu, nhãn đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Đảm bảo các điều kiện tiêu thụ, huyện tích cực triển khai các phương án kết nối, tìm kiếm thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
  • 'Khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên thực chất, hiệu quả

    Khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên thực chất, hiệu quả

    Xây dựng Đảng -
    Đảng bộ tỉnh có 17 đảng bộ trực thuộc, 829 tổ chức cơ sở đảng, 3.890 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số 92.460 đảng viên. Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc đánh giá, xếp loại và khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên bảo đảm thực chất, hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
  • 'Thành phố nhân rộng nhiều phong trào thi đua

    Thành phố nhân rộng nhiều phong trào thi đua

    Xã hội -
    Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, hơn 3 năm qua, các cơ quan, đơn vị, xã, phường trên địa bàn thành phố Sơn La đã đẩy mạnh các phong trào thi đua trên các lĩnh vực; nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
  • 'Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

    Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

    LTS: Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn. Chiến thắng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ-Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”, do Học viện Chính trị phối hợp cùng Báo Quân đội nhân dân, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức, nhiều tham luận của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đã nhấn mạnh và khẳng định điều này. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến trong số báo hôm nay.