Chuyện về người giáo viên năm 59

Thật may mắn, tôi được gặp và trò chuyện với ông Vũ Đình Nhuần, tổ 3, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, là một trong những thành viên của đoàn giáo viên năm 1959 thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh xung phong lên Tây Bắc phát triển văn hóa, giáo dục miền núi. Những hồi ức, những kỷ niệm về năm tháng nhiệt huyết góp sức vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo của ông khiến tôi xúc động và thêm trân trọng người giáo viên già đã gắn bó với nghề mấy chục năm.

Ông Vũ Đình Nhuần kể về quá trình công tác tại Tây Bắc.

Pha ấm nước chè mời khách, ông Nhuần nhớ lại cơ duyên đến với nghề “trồng người” của mình. Năm 1949, chàng thanh niên Vũ Đình Nhuần được Ty Giáo dục Hải Dương mời làm giáo viên dạy học tại xã Thúc Kháng và các xã lân cận của huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (là quê hương của ông). Trước khi đứng lớp, ông đã tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được tổ chức trong 1 tháng. Trong suốt thời gian dạy học ở quê nhà từ năm 1950 đến năm 1959, ông Nhuần được phân công luân chuyển dạy học và đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng ở nhiều trường của các xã. Dạy học ở bất kỳ địa bàn nào, thầy giáo Nhuần cũng luôn nỗ lực truyền tải kiến thức thật dễ hiểu, dễ nắm bắt cho học sinh, bởi ông hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc xóa nạn mù chữ, của phong trào bình dân học vụ góp phần tích cực trong việc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giọng kể của ông Nhuần hào hứng hơn khi nói về việc tình nguyện lên Tây Bắc dạy học của ông và nhiều đồng nghiệp ở các tỉnh miền xuôi. Đó là năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về phát triển văn hóa, giáo dục miền núi, đồng thời Bác Hồ kêu gọi giáo viên các tỉnh miền xuôi lên phát triển văn hóa, giáo dục miền núi. Đã 60 năm trôi qua, nhưng ông Nhuần vẫn còn nhớ chuyến đi từ Hà Nội lên Tây Bắc ngày ấy thật gian nan, vất vả, hơn 30 chiếc xe ca chở trên 800 thầy giáo miền xuôi lên miền sơn cước đã phải đi mất 3 ngày mới đến được Khu học xá Mường La (nay là khu vực Trường Tiểu học, THCS Chiềng Lề, Thành phố). Sau đó, các thầy giáo được phân công về các châu dạy học. Lời đồn nơi đây là “rừng thiêng, nước độc”, nhưng cũng không làm giảm ý chí của đoàn giáo viên, ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ dạy học ở bất cứ địa bàn nào. Cũng nhờ có đoàn giáo viên miền xuôi lên nên khí thế giáo dục ở Tây Bắc, trong đó có Sơn La bước vào năm học 1959-1960 vô cùng sôi động, từ vùng thấp đến vùng cao, bà con các dân tộc nô nức đưa con em đến trường học chữ. Thầy giáo Vũ Đình Nhuần được phân công về xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu dạy học. Khi ấy, tại xã Chiềng Bôm chia làm 3 điểm dạy học, khu trung tâm gồm lớp vỡ lòng, lớp 1 và lớp 2 do thầy Nhuần phụ trách; hai khu còn lại dạy lớp vỡ lòng giao cho 2 giáo viên khác đảm nhiệm. Cơ sở vật chất khó khăn, nhà lớp học vách nứa, lợp gianh, bàn ghế là những mảnh ván ghép lại, riêng bảng đen phải 2 tháng sau vào học mới có; lớp học có trên 50 học sinh. Dù tuổi còn trẻ, nhưng thầy giáo Nhuần đã có kinh nghiệm dạy học từ quê nhà nên nhanh chóng bắt kịp với việc lên lớp ở vùng cao xa xôi này. Thầy đã nghiên cứu soạn giáo án cho phù hợp với từng lớp học, cũng như sắp xếp cho học sinh ngồi khoa học nhất tránh ảnh hưởng đến sự tiếp thu của các em. Để huy động tối đa số trẻ đi học, thầy phối hợp với chính quyền địa phương và những người có uy tín ở các bản vận động các gia đình cho trẻ từ 6-15 tuổi đi học chữ. Thầy Nhuần còn nhanh chóng học thêm tiếng Thái để có những lúc trong lớp học cần giải thích thêm cho học sinh, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn và cũng là để gần gũi, thân thiện với học sinh cũng như những lúc tuyên truyền, vận động bà con trong bản, trong xã về các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, hiểu sâu hơn về việc học chữ của con em...

Ông Nhuần chợt trầm giọng: Đoàn giáo viên năm 1959 hiện nay người còn, người đã mất, nhưng tôi vẫn nhớ về họ, những đồng nghiệp đã đồng cam cộng khổ mang con chữ đến với con em đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Đó là ông Trần Luyến, nhà giáo ưu tú, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; ông Trần Du Luyện, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, hiện đang cư trú tại phường Quyết Tâm (Thành phố); ông Lê Khâm, nguyên Giám đốc Công ty Sách và thiết bị (đã mất)...

Năm nay, ông Nhuần đã 89 tuổi, người khá nhỏ, giọng nói khỏe, minh mẫn và ông vẫn nhớ rất rõ những mốc trong quá trình công tác của mình. Ông kể, dạy học ở Chiềng Bôm được 1 năm thì được tổ chức cho đi học 4 năm chuyên ngành sư phạm. Tốt nghiệp ra trường, ông được phân công về dạy tại Trường Đoàn Thuận Châu (nay là Trường phổ thông dân tộc nội trú Thuận Châu), rồi làm Hiệu trưởng Trường cấp I, II Tông Lạnh (Thuận Châu), sau đó về phụ trách Trường Sư phạm Thuận Châu, rồi về dạy tại Trường Sư phạm Bồi dưỡng cán bộ giáo viên tỉnh Sơn La (nay đã sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sơn La); tiếp tục được phân công đảm nhiệm Trưởng phòng Hành chính thuộc Ty Giáo dục Sơn La; Trưởng phòng Thiết bị trường học và xây dựng cơ bản; Phó Chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Sơn La, đến cuối năm 1992, ông nghỉ chế độ hưu trí.

Nhìn lại suốt thời gian làm nghề “lái đò” chở những chuyến học sinh đến với bến bờ tri thức, thầy giáo Vũ Đình Nhuần tự hào bởi có nhiều học sinh của thầy đã thành đạt, là cán bộ chủ chốt của huyện, của các ngành, như: ông Lò Na, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, nguyên Giám đốc Sở Khoa học; bà Cầm Thúy Vượng, nguyên Giám đốc Công ty Sách thiết bị trường học... Những đóng góp của ông đối với sự nghiệp “trồng người” đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND tỉnh và các cấp, các ngành ghi nhận tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

60 năm - hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng không riêng ông Nhuần mà tất cả những giáo viên năm 1959 không thể quên và cũng rất tự hào bởi họ đã đóng góp công sức vào sự nghiệp “trồng người”, để đến hôm nay, sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở tỉnh đã không ngừng phát triển, đào tạo những công dân có tri thức, góp sức xây dựng tỉnh Sơn La vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới