Chuyện về bác sỹ trưởng khoa

Sinh ra và học hết cấp III ở quê hương Tiên Lữ, Hưng Yên, anh đăng ký dự thi và trở thành sinh viên y khoa Hà Nội từ năm 1993 đến năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học về công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Sơn La được 6 năm (2006), bác sỹ Việt lại tiếp tục quay trở lại Trường Đại học Y Hà Nội học cao học, chuyên khoa ngoại tổng hợp. 2 năm sau tốt nghiệp anh trở về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Sơn La và từ năm 2013 đến nay anh đảm nhiệm vị trí Trưởng Khoa Ung bướu.

 

Thạc sỹ bác sỹ Nguyễn Quốc Việt chủ trì giao ban công tác chuyên môn.

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa Sơn La). Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng, bởi nhiều lượt cán bộ y, bác sỹ gặp anh để xin ý kiến giải quyết một số công việc liên quan đến điều trị bệnh nhân. Anh Việt phân bua: Phóng viên thông cảm, ưu tiên việc chữa trị cho bệnh nhân trước. Song tôi lại thấy may mắn vì thêm một lần được chứng kiến sự tận tâm, trách nhiệm trong “trị bệnh cứu người” của bác sỹ Nguyễn Quốc Việt.

Trong câu chuyện về nghề, bác sỹ Việt cho rằng, nghề “trị bệnh cứu người” vốn đã khó vì trăm người trăm bệnh, mỗi loại bệnh có phác đồ điều trị khác nhau, trong đó, việc điều trị ung bướu có phần khó khăn hơn. Bởi đây là loại bệnh nan y, mà tâm lý của người bệnh thường không tốt, vì họ cho rằng đã mắc ung thư là coi như đã có “án tử”, vì vậy vừa điều trị vừa phải động viên tinh thần bệnh nhân để họ phối hợp tốt với bác sỹ trong quá trình điều trị. Hằng năm, có hàng nghìn lượt bệnh nhân nhập khoa chữa trị, cũng là ung bướu, nhưng mỗi người lại mắc một loại  ung thư khác nhau, đơn cử như: Ung thư thực quản, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại tràng… đòi hỏi bác sỹ phải chẩn đoán bệnh chính xác để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, vì vậy người thầy thuốc chỉ có sự tận tâm thôi chưa đủ mà cần phải thường xuyên trau dồi kiến thức y học tiên tiến để chữa trị cho bệnh nhân. Đây cũng là điều dễ nhận thấy nhất ở bác sỹ Việt trong suốt những năm qua, ngoài việc tận tâm cứu chữa bệnh nhân, anh Việt còn tích cực nghiên cứu đề tài khoa học để áp dụng vào thực tế chữa trị cho bệnh nhân. 18 năm công tác trong ngành y, bác sỹ Việt đã có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, năm 2017, đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú, nạo vét hạch hệ thống phối hợp hóa trị liệu trong điều trị ung thư vú tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La” đã được Hội đồng Khoa học Sở Y tế đánh giá đạt loại xuất sắc. Năm 2016, Đề tài “Tiêm acid axetic vào u gan dưới hướng dẫn của siêu âm” đã đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo khoa học cấp tỉnh năm 2015 và đoạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo khoa học toàn quốc năm 2016, hiện nay đang được áp dụng trong chữa bệnh tại Khoa. Bác sỹ Việt tâm sự: Hằng ngày tiếp xúc với các bệnh nhân bị ung bướu, tôi cảm nhận được sự đau đớn về bệnh tật mà họ đang gánh chịu. Nhiều đêm trăn trở không hiểu phác đồ điều trị bệnh nhân như vậy đã là tối ưu chưa? sáng hôm sau tôi đọc lại bệnh án và theo dõi tiến triển bệnh để điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp. Chính vì vậy, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các kiến thức y học tiên tiến và những kinh nghiệm của các đồng nghiệp, với mong muốn giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân cũng như điều trị khỏi bệnh cho những bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhẹ.

18 năm làm nghề “trị bệnh cứu người” bác sỹ Việt cũng không nhớ nổi là đã điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân, đã trực tiếp phẫu thuật cho bao nhiêu người. Có trường hợp bệnh nhân bị hoại tử phần lớn, ruột chỉ còn khoảng 1 m, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử ruột hoàn toàn và tiên lượng rất dễ tử vong. Anh Việt và các đồng nghiệp đã quyết định nối một thì, tức là cắt bỏ đoạn ruột hoại tử và nối trực tiếp, bệnh nhân đó đã được cứu sống. Hay trường hợp bệnh nhân Cút Văn Thái (Sốp Cộp), từng phẫu thuật ruột thừa tại Bệnh viện Đa khoa Sốp Cộp, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh do bệnh nhân bị viêm phúc mạc đại tràng, tưởng chừng sẽ không qua khỏi vì nhiễm trùng. Bác sỹ Việt đã quyết định mổ lại và rửa sạch phân trong ổ bụng bệnh nhân, kịp thời cứu sống người bệnh. Mỗi một bệnh nhân được cứu sống là nguồn động viên, là động lực cho bác sỹ Việt tận tâm hơn, nhiệt huyết hơn với công việc.

Dù thời gian gặp gỡ, trò chuyện với bác sỹ Việt không nhiều, nhưng may mắn tôi được cùng anh và mấy bác sỹ trẻ mới ra trường đi kiểm tra diễn biến tình hình bệnh của một số bệnh nhân đang điều trị tại Khoa (việc làm này được các thầy thuốc gọi là đi buồng). Được chứng kiến cách anh hướng dẫn người nhà bệnh nhân việc chăm sóc, động viên tinh thần cho người bệnh để  điều trị đạt hiệu quả và cũng được chứng kiến anh hướng dẫn tỷ mỷ cho các đồng nghiệp trẻ về phân tích các biểu hiện của bệnh nhân kết hợp với ân cần thăm hỏi người bệnh để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh theo chiều hướng tốt hay xấu, qua đó có sự điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp hơn, tôi nhận thấy tiếng gọi thầy mà các đồng nghiệp trẻ dành cho anh quả không sai. Hiện nay Khoa Ung bướu có 15 cán bộ y tế trong biên chế, trong đó 5 bác sỹ (2 bác sỹ thạc sỹ). Số lượng đội ngũ thầy thuốc không nhiều nhưng số lượng bệnh nhân nhập Khoa điều trị ngày càng tăng, trung bình một năm Khoa đã điều trị nội trú và ngoại trú cho trên 2.000 lượt bệnh nhân. Con số này phần nào nói lên sự nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc Khoa Ung bướu, trong đó người chịu trách nhiệm chính là Trưởng khoa - thạc sỹ bác sỹ Nguyễn Quốc Việt.

Chia tay bác sỹ Việt, tôi nhớ mãi hình ảnh của anh tận tụy bên bệnh nhân kiểm tra chi tiết đến từng chiếc bông gạc trên vết mổ; ân cần hỏi thăm, động viên tinh thần người bệnh và người nhà bệnh nhân - Điều này khiến tôi nhớ tới lời Bác Hồ dạy đội ngũ thầy thuốc “Lương y phải như từ mẫu” - Bác sỹ Nguyễn Quốc Việt đã và đang làm theo lời Bác dạy, cảm thông, chia sẻ với người nhà bệnh nhân, nỗ lực phấn đấu, cùng với đội ngũ thầy thuốc trong tỉnh  chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới