Chuyện những cán bộ khuyến nông cơ sở

Ở các xã vùng cao, vùng mường hay những xã vùng lòng hồ của huyện Phù Yên, giao thông đi lại cách trở, trình độ dân trí không đồng đều, nên công tác khuyến nông gặp không ít khó khăn. Nhưng với lòng yêu nghề, đội ngũ khuyến nông cơ sở vẫn ngày đêm tận tụy, mẫn cán trong công việc, cùng ăn, cùng làm với dân, hỗ trợ nhân dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

 

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Phù Yên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho người dân xã Huy Bắc.

 

Những cán bộ khuyến nông cơ sở thường phải làm rất nhiều công việc khác nhau, từ việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, đến xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn theo các chương trình dự án của khuyến nông hay theo nhu cầu tự nguyện của nông dân; phối hợp với cán bộ thú y, cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thậm chí đêm hôm đến tận nhà của nông dân làm “bà đỡ” cho trâu bò sinh sản, rồi cả làm việc thụ tinh nhân tạo cho gia súc, thiến hoạn, bình tuyển trâu bò giống...

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phù Yên, cho biết: Toàn huyện hiện có 54 cán bộ khuyến nông cơ sở phụ trách 26 xã, thị trấn. Tất cả đều có trình độ từ trung cấp nông nghiệp trở lên, trong đó trình độ đại học đạt hơn 70%, có năng lực để “cầm tay chỉ việc” giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. Hiện, lực lượng này được ký hợp đồng ngắn hạn (đến năm 2020) và hưởng phụ cấp tính bằng 2 lần mức lương cơ bản. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ khuyến nông ở cơ sở luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong năm 2017, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở đã phối hợp tổ chức được hơn 300 lớp tập huấn và xây dựng hơn 60 mô hình nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. Đồng thời, cán bộ khuyến nông cơ sở còn tham gia tích cực vào các chương trình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tăng cường hoạt động dịch vụ tư vấn về giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón tại cơ sở...

 Sinh ra và lớn lên tại bản Pắc Bẹ A, người thanh niên dân tộc Mông Sồng Páo Ly ngay từ nhỏ đã ấp ủ giấc mơ được làm cán bộ khuyến nông để giúp dân bản biết cách chăm sóc cây ngô, cây lúa trên nương tươi tốt, chăm cho con trâu, con dê béo khỏe, đàn gà, đàn lợn sinh sôi... Luôn nỗ lực để theo đuổi giấc mơ, đến tháng 1/2011, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông lâm Phú Thọ, anh được nhận vào làm cán bộ khuyến nông xã Suối Tọ. Anh Ly chia sẻ: Vùng cao Suối Tọ với địa hình bị chia cắt nên việc đi cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Mùa mưa đến là khi đồng bào bước vào vụ sản xuất chính và cũng là thời điểm họ cần cán bộ khuyến nông tư vấn sản xuất. Chiếc xe máy với bánh xe được lắp xích luôn là người bạn quen thuộc của tôi trong mỗi chuyến về bản. Hơn nữa, ở những bản vùng cao của Suối Tọ, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên việc chăm sóc cho cây trên nương đúng kỹ thuật hay công tác thú y đều phải hướng dẫn bà con rất tỉ mỉ. Cụ thể, như việc hướng dẫn bà con phát dọn thực bì chuẩn bị cho vụ dong riềng sắp tới, những cán bộ khuyến nông cơ sở như chúng tôi phải trực tiếp lên nương hướng dẫn bà con không được phát cỏ sát đất vì như vậy khi mưa xuống địa hình dốc sẽ làm trôi đi lớp đất mặt, trồng cây sẽ bị cằn do thiếu chất dinh dưỡng, năng suất, chất lượng thấp. Hay đối với vụ lúa nương vào tháng 7, khi lúa đang trổ bông là thời điểm rất dễ bị sâu bệnh gây hại, nên phải tích cực cùng với bà con phát hiện sâu bệnh sớm để có hướng xử lý kịp thời...

Còn anh Cầm Văn Thú, cán bộ khuyến nông xã Kim Bon kể: Tôi nhận công tác tại UBND xã Kim Bon từ năm 2003. Xã có địa bàn rộng, số hộ đông, hoạt động sản xuất lại đa dạng nên phải thường xuyên xuống bản để nắm tình hình sản xuất của nông dân. Có nhiều chuyến phải “nằm” lại bản tới vài ba ngày, nhất là những khi xã triển khai các giống cây trồng mới, xuất hiện dịch bệnh trên cây trồng, khi thời tiết chuyển mùa hay khi xảy ra bão lũ. Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, nên tôi cùng với cán bộ thú y phải triển khai ít nhất 2 đợt tiêm phòng, 3 đợt khử trùng tiêu độc trong năm. Tuy vất vả là vậy, nhưng hiện nay chế độ đãi ngộ cho lực lượng khuyến nông viên cơ sở rất thấp, công tác gần 15 năm qua tôi chỉ được nhận mức lương hợp đồng 2 triệu 300 nghìn đồng/tháng, ngoài ra không có khoản phụ cấp nào. 

Có dịp trò chuyện và cùng đi cơ sở các bản vùng cao, vùng xa, tôi phần nào cảm nhận được những vất vả cũng như ý nghĩa công việc của những cán bộ khuyến nông cơ sở. Họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tìm thấy niềm vui trong công việc, với họ khi truyền đạt những kỹ thuật sản xuất hay những mô hình hiệu quả được người nông dân áp dụng, nhân rộng là đã góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Mong rằng, các cấp, các ngành sẽ quan tâm và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn đối với đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở để họ yên tâm gắn bó và cống hiến với nghề.

        

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới