Chuyện của những giáo viên vùng cao

Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về nghề “cõng chữ” lên non với những khó khăn vất vả, nhưng khi đến nơi, được tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu được công việc mà các giáo viên vùng cao phải vượt qua, thậm chí đối mặt cả với những nguy hiểm do đường đến trường phải băng rừng, vượt đèo dốc, cheo leo bên sườn núi. Nhưng, vượt lên trên tất cả, họ vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, “cõng chữ” lên vùng non cao, thắp sáng ước mơ cho những thế hệ học trò các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Một giờ học của cô và trò tại điểm trường mầm non Pu Khăm, xã Quang Huy.

 

5 giờ sáng, vén làn sương mù trong cái rét “nàng bân”, tôi cùng cô giáo Vì Hải Yến vượt chặng đường gần 15 km từ trung tâm huyện Phù Yên để lên Trường Mầm non Quang Huy II, xã Quang Huy - nơi chị Yến đang ngày ngày dạy chữ, dạy múa hát cho những trẻ nhỏ ở bản tái định cư Pu Khăm. Con đường quanh co, mặc dù đã được trải nhựa, nhưng có nhiều đoạn bị hư hỏng xuống cấp, nhiều đoạn sạt lở sau mỗi trận mưa trơn như đổ mỡ. Thấy chiếc máy xúc đang gạt đất sạt lở xuống đường, chị Yến bảo: Việc này phải làm thường xuyên, đường đồi nên cứ mưa to là sạt lở. Nếu không, bà con dân tộc Mông ở xã Suối Tọ và 4 bản thuộc xã Quang Huy không xuống chợ huyện được, mà thầy cô cũng không thể lên lớp được. Như thế thương bọn trẻ lắm! Không lên lớp, chúng lại theo cha mẹ dắt díu nhau lên nương dầm mưa, dãi nắng.

Theo chị Yến, khó khăn nhất là đường đường đến những điểm trường ở các bản Suối Ó, Suối Gióng, Suối Ngang 1. Những ngày mưa, các cô giáo phải lắp xích vào bánh xe, nhiều đoạn phải dắt bộ cả giờ đồng hồ mới tới trường. Khi đi xe máy phải rất cẩn thận vì đường hẹp, có thể trượt xuống nương bất cứ lúc nào. Đường xấu nên chuyện xe hỏng giữa đường như “cơm bữa”. Sau thời gian “đánh vật” với 15 km đường dốc quanh co, điểm trường trung tâm hiện ra trước mắt, 2 ngôi nhà cấp 4 nằm trên đồi cao. Đám trẻ nhỏ đến lớp với những đôi dép lấm lem bùn đất, đôi má đỏ ửng lên vì lạnh. Cô giáo Vì Hải Yến dẫn lũ trẻ đi rửa chân tay, buộc lại tóc, chỉnh trang lại quần áo gọn gàng.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lường Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Huy II chia sẻ: Trường có 4 điểm trường với hơn 140 học sinh và 8 giáo viên, 3 quản lý. Hầu hết giáo viên, gia đình đều ở trung tâm huyện. Ngoại trừ điểm trường trung tâm đã có đường rải nhựa, thì 3 điểm trường còn lại đều là đường đất và không điện, không nước, không có nhà công vụ cho giáo viên. Từ điểm trường trung tâm ở bản Pu Khăm phải đi thêm 12 km nữa mới đến được bản suối Ngang là điểm trường xa nhất. Do không có nhà công vụ, các cô giáo ở các điểm trường lẻ vẫn phải đi về trung tâm huyện trong ngày. Đường đi lại vất vả, nên bữa ăn trưa được các cô chuẩn bị sẵn. Giờ nghỉ trưa, các cô tranh thủ ăn rồi vội vàng chợp mắt trên chiếc giường được ghép từ những ván gỗ, trong lớp học tạm căng bạt tứ phía. Nguồn nước dùng cũng phải khắc phục bằng cách tự khơi mó. Điện không có nên những ngày giá rét, sương xuống nhiều, các cô giáo phải dùng đèn pin để soi cho các em học bài.

Những khó khăn, vất vả và nghị lực của các giáo viên vùng cao không thể kể hết bằng lời. Chỉ việc dạy và duy trì sĩ số cũng gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, các cô đã tự học tiếng địa phương, những ngày lớp vắng, các cô lại đi đến từng nhà vận động, rồi cô trò lại dắt díu nhau lên lớp. Với sự nỗ lực của tập thể các cô giáo điểm Trường mầm non Quang Huy II, đến nay, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt cao, số học sinh nghỉ học giữa chừng giảm đáng kể.

Quả thực, có tận mắt nhìn thấy và lắng nghe những câu chuyện mới cảm nhận được những khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp “trồng người” của các cô giáo vùng cao. Dù vất vả, gian nan đến mấy nhưng tất cả các cô đều có một điểm chung duy nhất - đó là lòng yêu nghề. Các cô chia sẻ rằng, đồng bào Mông sống tình cảm lắm! những tình cảm chân thành đó như tiếp thêm động lực níu chân họ lại, thôi thúc họ làm điều gì đó để giúp nơi vùng cao này bớt khó khăn. Luôn tâm niệm như vậy và mỗi sáng thức dậy, họ lại vội vàng gác lại hết những công việc gia đình để tiếp tục sự nghiệp cõng chữ “lên miền non cao”.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới