Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số

“Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng và dân tộc. Đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; quan tâm, tạo điều kiện để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.

Hội chữ thập đỏ tỉnh trao quà cho trẻ em nghèo đang điều trị

tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La.

Ảnh: Trung Hiếu

Hiện nay, toàn tỉnh có 343.440 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 60.550 trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, trên 26.100 trẻ em sống trong hộ cận nghèo và 5.030 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 2.800 trẻ em khuyết tật, 115 trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS... Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được tăng cường ở các cấp, các ngành trong tỉnh. Việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng hiệu quả. Nhờ vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, các em đều được chăm lo về sức khỏe, giáo dục, được hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các chính sách an sinh xã hội, được tặng quà, cấp học bổng; trẻ em khuyết tật được phẫu thuật miễn phí, phục hồi chức năng... Sự nghiệp giáo dục ở các xã, bản có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn được quan tâm, hiện, có 231 trường học bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh, để các em có điều kiện học tốt hơn, khắc phục được tình trạng bỏ học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều; cơ sở hạ tầng phục vụ vui chơi, giải trí của trẻ em, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn thiếu thốn. Đời sống còn khó khăn, khoảng cách về điều kiện sống và tỷ lệ hộ nghèo giữa các dân tộc còn lớn. Đây thực sự là thách thức đối với việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để Tháng hành động vì trẻ em đạt hiệu quả cao, các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về pháp luật, chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống tảo hôn; phòng, chống tình trạng trẻ em bỏ học, bảo vệ trẻ em, thông tin, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tổ chức kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em thông qua các hoạt động sinh hoạt hè, văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Rà soát, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những địa điểm nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em... Đồng thời, tổ chức các diễn đàn trẻ em các cấp để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, trong đó có sự tham gia của trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện để trẻ em được phát huy quyền tham gia và giúp các em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình. Trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình.

 Với thông điệp và khẩu hiệu hành động “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em”, “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” “Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em”, “Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em”, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần đa dạng các hình thức tập hợp, sinh hoạt của thiếu nhi; hướng các em tích cực rèn luyện, học tập, vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội ở địa phương, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới