Chung tay bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo hành, xâm hại

Toàn tỉnh hiện có gần 397.800 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 31,3% dân số); trong đó, trên 6.200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 136.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ, 44 đối tượng, 27 trẻ dưới 16 tuổi bị xâm hại, trong đó, 80% tổng số vụ là xâm hại tình dục. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16 nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục. Do vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn xâm hại, bạo lực đối với trẻ em cần thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Đoàn phường Quyết Tâm, Thành phố tuyên truyền

phòng, chống “Xâm hại tình dục trẻ em” cho thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn

Thực tế cho thấy, các vụ việc trẻ bị xâm hại phần lớn từ chính những người thân quen, những người trong họ hàng, cha dượng xâm hại con gái riêng của vợ, quan hệ yêu đương với người dưới 16 tuổi. Hậu quả của xâm hại tình dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ; nhiều trường hợp rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người...

Bên cạnh đó, còn nhiều gia đình nạn nhân sợ mọi người biết con họ bị xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng đến thanh danh gia đình, đến tương lai, hạnh phúc của con cái, nên không trình báo, tố cáo vụ việc tới cơ quan chức năng. Do nhận thức về pháp luật, kỹ năng bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ của một số gia đình và bản thân trẻ em còn hạn chế; nhiều gia đình mải làm kinh tế, không dành thời gian quan tâm, giám sát con cái; nhiều ấn phẩm phim, ảnh có nội dung bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát trên internet... đã dẫn đến hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn. Ngoài ra, việc bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý can thiệp kịp thời.

Cán bộ Hội LHPN xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên

tuyên truyền cho hội viên phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em.

Ông Phạm Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh các đề án, chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai các chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống bạo lực học đường; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; quy trình can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Tư vấn can thiệp, hỗ trợ cho các trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, khuyến khích người dân mạnh dạn và chủ động tố giác những hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em...

Từ đầu năm đến nay, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã phối hợp với các trường học tổ chức 44 cuộc tuyên truyền lồng ghép vào các buổi ngoại khóa tại trường học; tuyên truyền gần 100 cuộc trên hệ thống loa phát thanh các xã, phường, thị trấn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đăng trên 130 tin, bài, ảnh; hơn 20 phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo trên 30 băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em; phát hành các tài liệu, tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hướng dẫn sử dụng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tặng 20 xe đạp, trên 5.300 suất quà cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn gồm quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm... với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng. Hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình có trẻ em tử vong do tai nạn thương tích; 100% trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được lập hồ sơ theo dõi, tư vấn, kết nối các dịch vụ chăm sóc bằng các hình thức phù hợp. Can thiệp, hướng dẫn thủ tục tiếp nhận 2 trẻ có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Tạo sân chơi lành mạnh cho thiếu niên, nhi đồng dịp hè góp phần hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La, thông tin: Tỉnh Đoàn đã triển khai mô hình “Em nuôi của Đoàn”, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; duy trì hoạt động của 1 câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp tỉnh, 79 câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em các cấp. Các cấp cơ sở đoàn phối hợp với các ngành, địa phương tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư. Tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói”, với hơn 100 học sinh tham gia. Tổ chức các cuộc thi, lớp tập huấn với chủ đề phòng, chống đuối nước và tai nạn, thương tích, kỹ năng phòng, tránh xâm hại tình dục và các hoạt động vui chơi, giải trí, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè.

Tạo môi trường an toàn, thân thiện và bình đẳng để trẻ có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, nhân cách, trí tuệ rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới