Chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới

LTS: Còn hơn hai tuần nữa, 367.335 học sinh từ bậc mầm non đến THPT trong toàn tỉnh sẽ bước vào năm học mới 2018-2019. Công tác chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho năm học đang thu hút được sự quan tâm của nhà trường, xã hội, phụ huynh và học sinh. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố) dọn vệ sinh lớp học chuẩn bị cho năm học mới.

P.V: Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị cho năm học mới đến thời điểm này của ngành Giáo dục và Đào tạo?

Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng: Đến trung tuần tháng 8, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cho 120 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; bồi dưỡng 295 hiệu trưởng, 204 giáo viên chủ chốt các môn: Toán học, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, 170 giáo viên Tin học và tiếng Anh, 170 cán bộ thư viện các trường tiểu học. Tập huấn đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục ở các trường trung học cho 436 lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phòng giáo dục; toàn bộ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn các trường THCS, THPT, PTDTNT THCS-THPT; tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho 272 giáo viên cốt cán bậc THCS và 476 giáo viên chủ chốt THPT; triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 11 cho 137 giáo viên dạy bậc THPT của các trường PTDTNT THCS-THPT; tập huấn giáo dục kỹ năng sống và các vấn đề xã hội cho 212 cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS, THPT. Chỉ đạo 100% các đơn vị  trường học, phối hợp với trung tâm chính trị các huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, ngay sau khi kết thúc năm học 2017-2018, Sở đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát, kiểm kê, đánh giá lại tài sản; đề xuất kinh phí đầu tư đối với những công trình xuống cấp, hư hỏng để cải tạo, sửa chữa, đảm bảo an toàn cho học sinh; tổ chức vệ sinh trường, lớp, khuôn viên, cây xanh. Trong dịp nghỉ hè, đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 7 công trình của 7 trường THCS thuộc Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2. Đầu tư gần 80 triệu đồng xây dựng 46 phòng học, 42 nhà vệ sinh, 68 phòng ở bán trú học sinh, giáo viên và một số hạng mục khác thuộc các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... Mua sắm bổ sung 166.224 bản sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9 cho học sinh diện chính sách mượn, kinh phí thực hiện trên 1,8 tỷ đồng theo chính sách của tỉnh. Đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình được giao kinh phí cải tạo, sửa chữa năm 2018, bảo đảm kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ năm học mới.

P.V: Xin đồng chí cho biết những giải pháp của ngành nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới?

Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng: Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; duy trì nâng cao công tác phổ cập giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt, là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục trong toàn tỉnh.

Đồng thời, tập trung thực hiện Đề án sắp xếp kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo Thông báo số 1203-TB/TU ngày 5/7/2018 của Tỉnh ủy. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tăng cường an ninh, an toàn trường học, ứng xử văn hóa học đường và môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, dân chủ, kỷ cương. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo cán bộ quản lý các cấp; nâng cao chất lượng dạy học cho đội ngũ giáo viên; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Triển khai kế hoạch giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý tài chính tại các đơn vị trường học ngay từ đầu năm học.

P.V: Xin đồng chí cho biết công tác chỉ đạo của ngành đối với tình trạng trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm trước khi bước vào năm học mới?

Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng: Ngày 8/8/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1066 về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2018-2019. Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai minh bạch các khoản thu chi tài chính theo quy định; giao lãnh đạo các đơn vị trường chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi; chấm dứt lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; xử lý, kỷ luật nghiêm đối với những tập thể và cá nhân vi phạm, tự tạo ra các khoản thu hoặc thu vượt mức quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra; ưu tiên thanh tra các vấn đề bức xúc, các điểm nóng mà xã hội quan tâm để kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí.

Minh Tuấn (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới