Chủ động phòng chống mưa lũ, giảm nhẹ thiên tai

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên phạm vi toàn tỉnh, gây thiệt hại trên địa bàn 8/12 huyện, thành phố. Mưa lũ đã làm 1 người dân tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu bị thương; thiệt hại 27 nhà ở, gần 43 ha lúa, cây trồng; hư hỏng 2 đập thủy lợi, 11 phai tạm, 306 m kênh bị sạt lở; cuốn trôi 2 cầu treo, 1 cầu tạm, sạt lở hơn 3.200 m³ đất đá tại các tuyến đường liên xã, liên bản; làm trôi một số phương tiện xe máy, đồ dùng của người dân, ước tính thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày tới, ở vùng núi và Trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biến 40-90 mm/24h, có nơi mưa rất to trên 120 mm/24h, thời gian mưa tập trung từ chiều tối đến đêm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các khu vực trũng thấp.

             

Trước diễn biến khó lường của thiên tai, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan đơn vị và nhân dân tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ.

             

Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hoặc bị ngập sâu khi mưa lớn để bảo bảo an toàn tính mạng cho người dân.

             

Các địa phương, cơ sở tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa. Bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà. Khẩn trương khắc phục sự cố hư hỏng, khẩn trương hót dọn đất đá tại các vị trí sụt lở đảm bảo thông xe với thời gian nhanh nhất.

             

Các cơ quan chức năng, huyện, thành phố, chủ doanh nghiệp triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, nhà cửa, kho tàng, công trình xây dựng trên địa bàn. Chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng các đô thị, khu dân cư và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ.

             

Các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất và tác động do mưa, lũ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới