Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản

Những năm qua, diện tích, sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh ta liên tục tăng, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa lũ, các bệnh ký sinh trùng phát sinh, tình hình ô nhiễm nguồn nước... đang là vấn đề đặt ra với việc phòng, chống dịch bệnh đối với nghề nuôi thủy sản.

 

Mô hình nuôi cá lồng của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp (Mường La).

Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, tỉnh ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phong trào nuôi thủy sản phát triển ở nhiều nơi với các hình thức đa dạng như: nuôi cá ao, nuôi cá ruộng... tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã và Thành phố. Đặc biệt, với thế mạnh về tiềm năng mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình, đã tạo điều kiện phát triển nghề nuôi cá lồng tập trung ở các huyện: Quỳnh Nhai, Phù Yên, Mường La, Mộc Châu với tổng số 2.231 lồng nuôi cá, 19 hợp tác xã và 2 doanh nghiệp nuôi thủy sản, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 2.528 ha, với các loại cá truyền thống như: Trôi, mè, trắm, chép, rô phi, ba ba... và các loại cá có giá trị kinh tế cao được nuôi bằng lồng trên các lòng hồ thủy điện như: Cá tầm, cá chiên, cá lăng, cá nheo... Sản lượng nuôi thủy sản 8 tháng năm 2016 ước đạt 4.259 tấn, bằng 73% so với kế hoạch năm; sản lượng khai thác ước đạt 600 tấn, bằng 59% so với kế hoạch năm.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều và nhiệt độ môi trường ao nuôi chênh lệch lớn, thay đổi đột ngột khiến thủy sản hay bị sốc nhiệt hoặc ô nhiễm nguồn nước, làm cho sức đề kháng của thủy sản giảm, tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Đặc biệt, đối với việc nuôi cá lồng mật độ cao, nhiều lồng bè đặt liền kề, chủng loại cá khác nhau rất dễ phát sinh dịch bệnh ở cá, tiềm ẩn nguy cơ lây lan nhanh, dẫn đến rủi ro cao, không bền vững. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp con giống nuôi thủy sản chưa thật sự đảm bảo về chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở Nhà nước và tư nhân, cùng hàng chục hộ sản xuất cá giống nhỏ lẻ nhưng vẫn có khá nhiều hộ nuôi thủy sản phải mua con giống từ tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Trong khi, công tác quản lý giống, kiểm soát chất lượng con giống trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh thường gặp do ký sinh trùng bánh xe, trùng mỏ neo, bệnh do vi khuẩn đốm đỏ, viêm ruột, bệnh do nấm thủy my, nấm mang...

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, trong những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; chỉ đạo các Trạm chăn nuôi và thú y tham mưu cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nhận thức được tác hại của dịch bệnh thủy sản và chủ động các biện pháp phòng, chống. Vận động, tuyên truyền các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn chủ động khai báo khi có thủy sản bị chết nhiều, không vứt xác thủy sản chết và xả nước từ ao nuôi bị bệnh chưa xử lý ra môi trường; thực hiện công tác cải tạo, quản lý ao nuôi, sát trùng các dụng cụ trước và sau khi sử dụng; sử dụng thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh từng hộ nuôi thủy sản, đặc biệt là những nơi có diện tích nuôi thủy sản lớn.

Trao đổi với bà Đặng Thị Thúy Yên, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp (Mường La) về kinh nghiệm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, được biết: Nuôi cá lồng cần chú ý chọn địa điểm đặt lồng ở nơi có nguồn nước trong sạch, nước lưu thông thường xuyên. Bố trí vùng nuôi cho từng loại cá phù hợp, tránh việc nguồn thức ăn của loại này gây ô nhiễm cho loại khác. Trước khi thả cá cần vệ sinh lồng sạch sẽ, phơi lồng 1-2 ngày; trong quá trình nuôi, định kỳ vệ sinh lồng nuôi 1 tuần/lần để loại bỏ các sinh vật bám, giúp nước lưu thông tốt hơn. Việc vệ sinh lồng nuôi được tiến hành trước khi cho cá ăn. Sau khi cho cá ăn khoảng 30 phút, vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm môi trường. Thường xuyên treo túi vôi, túi thuốc tại vị trí cho cá ăn, ở đầu và cuối lồng nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường nước, khi vôi hoặc thuốc tan hết cần tiếp tục treo túi khác. Khi thả giống, cần chọn cá giống khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh và tắm nước muối cho cá với nồng độ 3% trong vòng 10-15 phút để loại bỏ mầm bệnh trên cơ thể cá. Thường xuyên theo dõi cá, khi thấy các dấu hiệu, như: Cá bỏ ăn, da chuyển dần sang màu đen, tuột vảy hoặc cá có biểu hiện lồi 1 hoặc cả 2 bên mắt, bơi lờ đờ hoặc bơi quay tròn mất định hướng rồi đâm xuống đáy lồng và chết thì báo ngay cho cơ quan thú y để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, bên cạnh việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật nuôi, các hộ cần thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời báo chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Bên cạnh đó, các hộ cần chủ động tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá trên sách, báo hoặc thông qua mạng Internet, chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản từ khâu chọn con giống đến chăm sóc và thu hoạch. Các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường tuyên truyền và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp đánh bắt cá hủy diệt bằng hóa chất, gây ô nhiễm môi trường nước trên các lòng hồ thủy điện.


 

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới