Chủ động bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết

Không đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Thông thường, càng gần đến Tết, thị trường hàng hóa càng nhộn nhịp, sôi động, nhu cầu mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người dân tăng cao, khiến giá cả thị trường biến động. Vì vậy, đây là thời điểm cần có nhiều biện pháp bình ổn giá, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Người dân mua sắm hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Ảnh: Phan Hưng

Để làm tốt công tác quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trước hết, các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền các đơn vị, doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ công tác chuẩn bị nguồn hàng. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối lớn với các địa phương trong việc tạo lập chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Tổ chức mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kết hợp với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”...

Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giá, các biện pháp bình ổn giá và giá cả thị trường đến các tổ chức, nhân dân trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về giá, gian lận thương mại. Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cung - cầu dẫn đến tăng giá đột biến. Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, nâng giá bất hợp pháp, giữ ổn định chỉ số giá hàng hóa trên địa bàn tỉnh phù hợp với chỉ số giá chung của cả nước; rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc gia cầm; phòng, chống dịch bệnh với vật nuôi, cây trồng một cách hiệu quả, kịp thời, không làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực giá, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn. Giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, tránh tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, nhất là trong dịp trước và sau Tết. Có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các điểm bán hàng hóa có uy tín, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điểm bán hàng bình ổn giá để người dân biết, mua sắm. Tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng có kế hoạch mua sắm Tết hợp lý, tránh thói quen cận đến tết mới đổ dồn đi mua sắm, tạo nên những cơn sốt hàng, sốt giá “ảo”, làm cho giá cả hàng hóa dễ bị biến động tiêu cực.

Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, không để biến động về giá, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội... là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân.

Hà My

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới