Chiềng Xuân phát triển kinh tế hộ gia đình

Những năm qua, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ) đã đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân.

 

Nông dân bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ) chăm sóc vườn cam Vinh.

 

Chiềng Xuân có 8 bản, 623 hộ, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với trên 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, bà con gieo trồng 1.150 ha ngô lai CP 888, CP 989, DK 9901, năng suất hơn 5 tấn/ha; 123ha lúa mùa, năng suất 4,7 tấn/ha; 15 ha sắn và 20 ha dong riềng cho sản lượng khoảng 1.300 tấn/năm... Để giúp nhân dân nâng cao mức sống, chính quyền xã đã vận động người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa giống cây trồng mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Những năm gần đây, nông dân xã Chiềng Xuân đã trồng 40 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, xoài Úc, cam Vinh, bước đầu mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.

Nông dân trong xã còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với hơn 2.100 con trâu, bò; 250 con dê; gần 1.700 con lợn trên 2 tháng tuổi và trên 12.000 con gia cầm các loại. Để duy trì và phát triển bền vững đàn gia súc, hằng năm, xã vận động nhân dân đầu tư phát triển chăn nuôi gắn với trồng 13,3 ha cỏ, tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn trâu, bò. Cán bộ thú y xã thường xuyên hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng dịch cho đàn vật nuôi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con làm chuồng nuôi xa nhà để không ảnh hưởng đến môi trường, hằng năm nguồn thu từ chăn nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Điển hình trong phát triển kinh tế gia đình phải kể đến hộ các ông: Trần Văn Bình, bản Suối Quanh, kinh doanh tổng hợp các mặt hàng tiêu dùng, thu mua nông sản. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng. Gia đình anh Phàng A Phà, bản A Lang, với mô hình nuôi hơn 20 con dê sinh sản, trồng 1 ha xoài, thu nhập từ 70-80 triệu đồng/năm. Hộ ông Nguyễn Văn Đình, bản Khò Hồng phát triển chăn nuôi lợn, hằng năm xuất bán hơn 20 tấn thịt lợn hơi. Ông Phàng A Di, bản Khò Hồng đầu tư nuôi 20 con bò kết hợp với trồng cỏ, trồng 3 ha ngô, sản lượng hơn 20 tấn ngô hạt/vụ, trừ chi phí, gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm...

Thực tế cho thấy, những hộ vươn lên khá, giàu là do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Anh Nguyễn Văn Tiến, bản Suối Quanh cho biết: Năm 2013, qua tìm hiểu những mô hình có cách làm hay và đạt hiệu quả kinh tế, tôi nhận thấy trồng cây cam Vinh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi học hỏi, tìm hiểu quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cam Vinh, gia đình tôi đã dành hơn 1 ha vườn đồi để trồng cam. Những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được tôi áp dụng vào thực tế sản xuất. Hơn 1 ha trồng trên 500 cây cam Vinh của gia đình vụ năm ngoái cho thu hoạch gần 3 tấn quả, trừ chi phí, lãi hơn 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư ghép nhãn chín muộn trên 300 gốc nhãn có sẵn. Có vốn, gia đình tôi đầu tư nuôi thêm lợn, gà. Hằng năm, thu nhập 150 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi.

Bên cạnh đó, 23 hộ dân trong xã còn phát triển một số ngành nghề kinh doanh tổng hợp, trong đó chủ yếu là kinh doanh hàng tạp hóa, hàng tiêu dùng, dịch vụ xay xát... tập trung ở khu vực trung tâm xã, với mức thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/hộ/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã từ 58,9% năm 2014 xuống còn 53% năm 2015.

Trao đổi về hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Lò Văn Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Xuân cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế thông qua các hội, đoàn thể liên kết với các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn vay để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế ở địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong xã. Đề xuất với huyện có chính sách hỗ trợ vốn, cây giống, con giống và kỹ thuật... giúp nông dân trong xã xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới