Chiềng Mung “Uống nước nhớ nguồn”

Những năm qua, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) luôn quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt cho thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Nhờ vậy, 100% gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn xã có mức sống từ trung bình trở lên.

 

Cán bộ xã Chiềng Mung (Mai Sơn) thăm hỏi, động viên gia đình thương binh Tòng Văn Yên, bản Bôm Cưa.

Về xã Chiềng Mung lần này, chúng tôi cùng chị Hoàng Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã đến thăm một số gia đình thương binh có mức sống khá nhờ năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Trên đường đi, chị Loan đã kể về công tác “đền ơn đáp nghĩa” của xã, của bà con các bản đối với những người đã cống hiến xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hiện nay, Chiềng Mung có 57 gia đình và người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó 18 thương binh, 28 gia đình liệt sỹ, còn lại là bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học. Ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, hằng năm, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực để khuyến khích, động viên các gia đình người có công với cách mạng ổn định cuộc sống. Đó là tạo điều kiện cho họ được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế; hỗ trợ công lao động sửa chữa nhà ở, cải tạo vườn tạp, gieo trồng, thu hoạch ruộng, nương, vườn... Những ngày lễ, tết, hay người có công bị ốm đau, bệnh tật, đoàn cán bộ của xã đều đến thăm hỏi, hỗ trợ hoặc tặng quà, động viên gia đình vượt lên khó khăn, trị giá hàng chục triệu đồng mỗi năm. Cùng với đó, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, xã đã chỉ đạo các bản rà soát, lập hồ sơ và lập tờ trình đề nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở cho người có công, trong đó 133 hộ đã được phê duyệt hỗ trợ... Điều ghi nhận là, 100% gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn xã Chiềng Mung đều có mức sống từ trung bình trở lên; không có hộ nào phải ở nhà tạm. Nhiều hộ đã có mức sống khá, giàu, đơn cử như gia đình thương binh Vũ Văn Toản, bản Phát; gia đình thương binh Nguyễn Văn Sợi, bản Nong Phụ; gia đình bệnh binh Trần Đại nghĩa, thôn 4... 

Cùng với quan tâm giúp đỡ các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng phát triển kinh tế, xã Chiềng Mung còn tuyên truyền, vận động họ gương mẫu trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thực hiện tốt các quy định của xã, quy ước, hương ước của bản, của thôn. Qua bình xét hằng năm, 100% gia đình có công với cách mạng được công nhận gia đình văn hóa. Một số thương binh, bệnh binh còn tích cực tham gia hoạt động của các đoàn thể như Hội CCB, chi hội người cao tuổi...

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là gia đình thương binh hạng ¾ Tòng Văn Yên, bản Bôm Cưa. Trong ngôi nhà tình nghĩa do Sư đoàn 371 (Quân chủng phòng không không quân) tặng năm 2009, treo Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu Đảng 45 năm, cùng nhiều giấy khen của Hội CCB, Hội Người cao tuổi huyện, xã tặng gia chủ về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, “Tuổi cao gương sáng”. Ông Yên kể: Tháng 8/1965, tôi nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường C, trong một trận chiến đấu tôi bị thương và xuất ngũ năm 1967. Sau khi được Sư đoàn 371 (Quân chủng phòng không không quân) tặng 50 triệu đồng, xã Chiềng Mung huy động bà con trong bản giúp công lao động dựng ngôi nhà tình nghĩa, gia đình tôi đã ổn định cuộc sống và tập trung phát triển kinh tế. Trong quá trình đó, cán bộ xã thường xuyên đến động viên, trao đổi kỹ thuật sản xuất, giúp chúng tôi áp dụng vào thực tế chăn nuôi, trồng trọt. Hiện, gia đình có 5 con trâu, bò sinh sản; 1 ao cá rộng 3.000 m2 nuôi cá thương phẩm, thửa ruộng rộng 3.000 m2, mỗi năm bán cá, bán trâu, bò, trừ chi phí thu 100 triệu đồng. Tuy chưa thực sự giàu có, nhưng cuộc sống cũng đã dư dả.

Tiếp tục đến gia đình thương binh ¼ Vũ Văn Toản, bản Phát. Khu vườn của gia đình ông Toản rộng khoảng 5.000 m2 trồng nhãn và chanh đào theo hàng lối khá khoa học, quả sai trĩu cành chuẩn bị đến vụ thu hoạch, dưới tán cây là 100 đàn ong mật. Ông Toản chia sẻ: Tôi từng tham gia chiến đấu tại chiến trường B, chiến trường C và mặt trận biên giới phía Bắc, năm 1981, tôi xuất ngũ. Trên mặt trận xây dựng cuộc sống mới, tôi đã cùng với gia đình cải tạo vườn tạp, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong mật để tạo nên cơ ngơi hôm nay, với ngôi nhà rộng rãi khang trang, có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và nuôi dạy con cái trưởng thành. 

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng; khuyến khích, động viên họ phát huy truyền thống gia đình cách mạng trong xây dựng cuộc sống mới, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế” - nhiệm vụ đó đã, đang và sẽ tiếp tục được xã Chiềng Mung thực hiện, thể hiện rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì Tổ Quốc.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới