Chỉ dẫn địa lý - nâng tầm sản phẩm cà phê Sơn La

Tỉnh ta hiện nay đang dẫn đầu cả nước về diện tích cà phê Arabica, với 20.000 ha được trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp và Thành phố, với sản lượng hàng năm đạt trên 30.000 tấn nhân; trị giá 2.000 tỷ đồng/năm; đảm bảo đời sống ấm no cho hàng vạn người lao động, đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

 

Nhân viên Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La thực hiện quy trình đánh giá chất lượng sản phẩm cà phê Arabica.

Không chỉ dẫn đầu cả nước về diện tích cà phê Arabica, chất lượng cà phê  Sơn La được trồng trên các sườn dốc của chân núi thấp hoặc trên các chỏm đồi với độ cao từ 600 m đến 1.200 m so với mặt nước biển, thuộc vùng đất đỏ đá vôi có tầng dầy và độ phì nhiêu khá cao. Điều kiện khí hậu này được đánh giá tương đương với vùng trồng cà phê Arabica nổi tiếng thế giới của Brazil. Thế nhưng, cà phê Sơn La lại luôn có giá thấp, chưa được nhiều người biết đến. Nguyên nhân theo các chuyên gia đánh giá là do kỹ thuật canh tác, thu hái, chế biến còn thủ công, chưa kiểm soát được quy trình, nên chủ yếu được dùng để đấu trộn dưới tên các thương hiệu khác.

Xác định cây cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, năm 2017, sản phẩm cà phê Arabica Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00058. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực chế biến cà phê phát triển, tỉnh đã cấp chứng nhận quyền được sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La cho 4 doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê hàng đầu của tỉnh, gồm: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế; Công ty TNHH cà phê Sơn La và HTX cà phê Bích Thao Sơn La. Đồng thời, giao cho Hội cà phê Sơn La phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý) quản lý, kiểm soát hoạt động sử dụng của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền, phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La được bảo hộ.

Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê Sơn La cho biết: Vấn đề phát triển thương hiệu cà phê đã được tỉnh Sơn La quan tâm với nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý cho cà phê Sơn La. Với hướng tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch, lựa chọn sản phẩm bảo hộ và đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn vào quá trình phát triển thương mại sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý được lựa chọn là đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ phát huy và quảng bá cho một vùng Việt Nam, đặc biệt là cà phê Arabica, loại cà phê có giá trị kinh tế cao. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La dựa trên mục tiêu nâng cao giá trị thông qua việc bảo hộ các sản phẩm cà phê chế biến sâu, do đó cà phê rang, cà phê bột Sơn La thành sản phẩm mang thương hiệu cà phê Sơn La trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra quốc tế.

Cũng theo ông Vương Văn Hải, cà phê Arabica của Việt Nam hiện có rất ít, các địa phương trong nước chủ yếu trồng cà phê vối (Rubuta), muốn chế biến sâu, phục vụ tiêu dùng, sản xuất ra cà phê bột, cà phê pha phin, cà phê pha máy cần phải có cà phê Arabica, vì vậy, cà phê Arabica của tỉnh chính là cà phê đặc sản, hiếm của Việt Nam. Theo định hướng của Chính phủ và ngành cà phê Việt Nam, thì cà phê Arabica cần phát triển tăng lên, đạt mức 20% tổng sản lượng cà phê của cả nước và hạn chế xuất khẩu nhân sống. Tăng cường chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng, phục vụ trong nước và xuất khẩu để tăng giá trị, tăng lợi nhuận cho ngành cà phê. Đây là một thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội cho Sơn La.

Niềm vui nhân đôi cho những hộ trồng cà phê nói riêng và cho lĩnh vực chế biến nông sản của tỉnh nói chung, đó là Nhà máy cà phê Phúc Sinh của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, tại bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) đã hoàn thành đi vào hoạt động tháng 11/2018. Theo thiết kế, giai đoạn 1 Nhà máy có quy mô 4 ha, với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Khu nhà xưởng chính; hệ thống xử lý nước thải; nhà văn phòng... Phân xưởng chế biến quả cà phê tươi được đầu tư máy móc đồng bộ, thế hệ mới nhất đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ của tập đoàn số 1 thế giới về máy chế biến cà phê là Penagos - Columbia, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt, với công suất 20.000 tấn quả tươi/năm; khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại rộng 2.600 m2, với công suất 200 m3/ngày đêm. Từ đây, các sản phẩm cà phê chuẩn UTZ của Hà Lan và BRC của Anh mang thương hiệu Sơn La sẽ vươn xa tới các vùng lãnh thổ trên thế giới.

Việc cà phê Sơn La được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý là một lợi thế rất lớn, bởi trong nông nghiệp, đặc biệt lĩnh vực nông sản chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa. Nói cách khác, phát triển chỉ dẫn địa lý cho phép tạo ra lợi thế của sản phẩm nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm đó mà các sản phẩm cùng loại khác nằm ngoài khu vực địa lý này không có được. Vấn đề còn lại để phát triển thương hiệu cà phê Sơn La, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, thu hái, sơ chế theo bộ tiêu chuẩn UTZ và BRC để nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Sơn La mang về những mùa vàng cho cà phê Sơn La.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới