Chàng trai trẻ đam mê sáng tạo

Từng tham gia và đoạt giải cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La và đoạt Giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2018 với mô hình “Máy xúc điều khiển từ xa ứng dụng công nghệ thực tế ảo”, Nguyễn Bật Dũng (sinh năm 2000, phường Chiềng Sinh, Thành phố) được tuyển thẳng vào Lớp tài năng của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.

 

Điều khiển máy xúc điều khiển từ xa ứng dụng công nghệ thực tế ảo của Nguyễn Bật Dũng.

Tân sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên có khuôn mặt hiền hậu, ánh mắt sáng. Trong câu chuyện, Dũng khiêm tốn: Kiến thức em học được chủ yếu ở trường lớp, sách báo, mạng Inrternet và những ý tưởng trong cuộc sống hằng ngày. Để có một sản phẩm, mô hình thành công, em trải qua rất nhiều lần thử nghiệm và thất bại. Còn mô hình máy xúc điều khiển từ xa ứng dụng công nghệ thực tế ảo là ý tưởng em ấp ủ từ lâu, vì đọc được những thông tin trên sách, báo, rồi có lần tận mắt chứng kiến tai nạn thương tâm của những người lái máy xúc, em trăn trở phải tạo ra sản phẩm có thể giảm bớt nguy hiểm, rủi ro cho những người làm công việc này. Sau nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm máy xúc điều khiển từ xa ứng dụng công nghệ thực tế ảo của em đã hoàn thành và ứng dụng thành công vào thực tế. Thời khắc điều khiển được chiếc máy mà không cần lái trực tiếp, em đã nhảy cẫng lên vì vui sướng.

Giới thiệu về chiếc máy xúc, Dũng say sưa nói: Mô hình này có camera dùng để thu hình ảnh vị trí làm việc của máy xúc; động cơ bước để gạt cần điều khiển cần chính, điều khiển gầu xúc, quay toa, cần phụ, xích phải, xích trái. Nguyên vật liệu, gồm: 1 Board mạch Arduino nano, cảm biến Gy 85, các loại thiết bị điều khiển, camera, kính thực tế ảo, pin; động cơ gạt nước mưa ô tô 12V - 50W để điều khiển cần gạt của máy xúc; mạch cầu H - BTS 7960  43A  dùng để nhận tín hiệu từ servo rồi điều khiển động cơ gạt cần điều khiển của máy xúc; servo futaba sử dụng mạch, biến trở của servo để nhận tín hiệu từ bộ điều khiển trung tâm sau đó truyền đến tín hiệu điều khiển đến mạch cầu H; tăng đơ dùng để truyền lực và điều chỉnh khoảng cách từ động cơ bước đến cần điều khiển của máy xúc; thép làm khung giá đỡ các thiết bị. Khi hoạt động, người lái chỉ cần đeo kính thực tế ảo và điều khiển máy xúc từ xa thông qua bộ điều khiển từ xa.

Chia tay chàng trai trẻ Nguyễn Bật Dũng, trong tôi in đậm về hình ảnh chàng sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo đang được thực hiện. Tôi tin, bằng sự năng động, đam mê nghiên cứu, sáng tạo, Dũng sẽ có thêm nhiều những công trình, sản phẩm khoa học mang tính thực tiễn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới