Chăn nuôi đại gia súc - thúc đẩy tăng trưởng xanh: Kỳ I: Thay đổi tư duy để phát triển

Phóng sự: Thu Ngọc

Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, khuyến khích nông dân chuyển đổi một phần diện tích đất bạc màu, hoang hóa sang trồng cỏ voi, ngô non làm thức ăn chăn nuôi; từng bước thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt chuồng theo hướng gia trại, trang trại, kiểm soát phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều mô hình nuôi nhốt trâu, bò được nhân rộng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Trồng cỏ, vỗ béo trâu bò

 

Mùa này, dọc hai bên đường từ trung tâm xuống các bản của xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, là màu xanh ngút ngàn của cỏ voi. Giống cỏ này được người dân trồng trên nương, trong vườn nhà, tận dụng ô đất trống gần bờ ruộng, bờ ao, hàng rào; cả 25 ha ruộng bán ngập công trình thủy điện Chiềng Ngàm thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ cũng được bà con trong xã chuyển đổi sang trồng cỏ voi.

Cánh đồng trồng cỏ voi xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu.

Trên đường cùng chúng tôi đi thăm mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở bản Nà Lạn, ông Lò Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tông Cọ, thông tin: Tông Cọ hiện có 1.298 hộ, thì 884 hộ đang nuôi 4.200 con trâu, bò. Riêng bản Nà Lạn có 56/57 hộ nuôi bò nhốt chuồng, nhà ít nhất có 3 con, nhiều hơn 10 con. Giá thị trường hiện nay trung bình 25-30 triệu đồng/con bò thương phẩm, nhiều hộ trong bản đang là triệu phú!

Bản Nà Lạn mà ông Hảo nhắc đến trước thuộc xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai), được chuyển về tái định cư tại xã Tông Cọ từ tháng 12/2007 theo dự án TĐC thủy điện Sơn La. Chúng tôi đến bản đúng lúc ông Lù Văn Sương, Trưởng bản vừa đi làm nương về. Nhanh tay bê bó cỏ nặng tới mấy chục cân từ trên xe xuống đất, gạt mồ hôi trên trán, ông Sương cười: Trước nuôi trâu, bò thả rông cực lắm, ngày nào cũng phải dậy sớm dắt bò đi thả, vì đi xa, bò mới có cỏ ăn. Còn bây giờ đi làm nương, tranh thủ cắt luôn cỏ voi là bò có thức ăn cả ngày. Năm 2020, tôi bán 2 con bò được 55 triệu đồng, giờ còn 6 con, cuối năm sẽ có thêm 2 con bê.

 

Lãnh đạo huyện Thuận Châu thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng bản Nà Lạn, xã Tông Cọ (Thuận Châu).

 

Đối diện nhà ông Sương là hộ ông Lù Văn Trường, đang thái cỏ ủ chua làm thức ăn cho bò, ông Trường khoe: Tôi nuôi 10 con bò, mỗi năm cho thu trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, thu gom phân bò bón cà phê và bán cho các hộ trong xã thu thêm 10-15 triệu đồng/năm.

Gần đó, gia đình bà Lù Thị Khụi, ngoài nuôi nhốt 5 con bò giống địa phương, trong chuồng có 2 con bò Brahman rất to, béo. Bà Khụi bảo: Khi mua mỗi con nặng 150 kg với giá 25 triệu đồng/con. Sau 5 tháng nuôi nhốt, trọng lượng đã tăng gấp đôi, thương lái mua 99.000 đồng/kg hơi, tính ra mỗi con bò cho lãi hơn chục triệu đồng.

Không chỉ bà Khụi mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang đầu tư chuyển đổi từ nuôi nhốt giống bò địa phương sang nuôi nhốt giống bò Brahman. Giống bò Brahman chủ yếu được chọn nuôi có màu đỏ sáng, lai tạo tại Mỹ bằng giống bò Zebu của Ấn Độ. Giống bò này, có đặc điểm nổi bật là năng suất thịt cao, thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm; kháng ve, ký sinh trùng đường máu, không mắc các bệnh về mắt, móng và rất mắn đẻ. Giống bò này da mềm và thịt săn chắc. Trọng lượng bê Brahman mới sinh nặng 20-30 kg, 6 tháng tuổi đã tăng lên 120-150 kg, bò đực khi trưởng thành nặng 700-1.000 kg, con cái nặng 400-500 kg. Ngoài ra, nhiều hộ còn lựa chọn bò BBB, có khả năng sản xuất thịt tốt, phẩm chất thịt thơm ngon, mức tăng trọng trung bình 1.300 gram/ngày, tỷ lệ thịt xẻ đạt tới 70%. Bò đực BBB trưởng thành có trọng lượng 1.100-1.200 kg, bò cái 710-720 kg.

Cách Tông Cọ gần 100km, ở bản Đông Suông, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, có mô hình nuôi trâu vỗ béo “siêu lợi nhuận” của anh Lò Văn Tán. Trang trại được xây dựng kiên cố giữa lưng chừng đồi. Anh Tán chia sẻ: Trang trại được đầu tư, xây dựng kiên cố từ năm 2018, chi phí trên 1 tỷ đồng cộng với tiền mua 60 con trâu hết hơn 3 tỷ đồng, chưa kể đầu tư trồng 3 ha cỏ voi. Tôi thuê 4 lao động, trả tiền công 6 triệu đồng/người/tháng. Trang trại nuôi nhốt trâu cách xa khu dân cư, được vệ sinh 2 lần/ngày, tạo môi trường sạch sẽ để đàn trâu phát triển.

Ủ chua cỏ voi làm thức ăn dự trữ chăn nuôi trâu, bò.

 

Trung tuần tháng 8 vừa qua, anh Tán đã liên kết với các hộ trong bản thành lập HTX sản xuất chăn nuôi dịch vụ nông nghiệp Tâm Việt, với 7 thành viên, quy mô nuôi trâu vỗ béo trên 300 con và anh được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX. Để am hiểu kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn trâu, anh đã đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Nguồn thức ăn cho trâu, ngoài cỏ voi, bổ sung thêm thức ăn tinh, như: bột ngô, cám gạo. Vỗ béo đúng quy trình, 3 tháng sẽ xuất bán một lứa, trừ chi phí lãi 3-4 triệu đồng/con. Ngắm đàn trâu sau 2 tháng vỗ béo, con nào, con nấy béo núc, da đen bóng, thong dong nhai cỏ voi, anh Tán phấn khởi nói với chúng tôi: “Nuôi trâu, bò làm sức kéo giờ không còn nữa, mà trở thành nghề tạo ra thương phẩm, là hướng phát triển kinh tế ở vùng nông thôn...”.

Hiệu quả kinh tế gắn với môi trường nông thôn

Nuôi trâu, bò nhốt chuồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn xóa bỏ tập quán nuôi gia súc dưới gầm sàn. Ông Lò Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, nhớ lại: Trước đây bà con các bản của xã nuôi trâu, bò thả rông và nhốt dưới gầm sàn. Thực hiện chỉ tiêu số 7 trong tiêu chí số 17 về môi trường của xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã thành lập các tổ công tác xuống các bản tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ có đất xây dựng chuồng trại đưa trâu, bò ra khỏi gầm sàn và thực hiện nuôi nhốt. Các hộ không có quỹ đất, lập nhóm hộ xây dựng khu chăn nuôi tập trung. Cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước để làm gương cho người dân. Đến nay, 884 hộ đã đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, đạt trên 68% tổng số hộ của xã. 

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của HTX sản xuất chăn nuôi dịch vụ nông nghiệp Tâm Việt (Mường La).

Còn tại xã Ngọc Chiến, tỷ lệ hộ di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn đạt 95%. Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy, chia sẻ: Đảng ủy xã đã thành lập 15 Tổ công tác vận động, thuyết phục người dân nuôi nhốt trâu, bò. Đồng thời, thực hiện chủ trương “trồng cỏ voi diệt cỏ dại”, các hộ dân ở xã đã trồng 400 ha cỏ voi. Ngoài đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò hiện có, thì cỏ voi ở Ngọc Chiến đã trở thành hàng hóa, trung bình một bó cỏ voi từ 50-70 kg người dân đang bán 100.000-120.000 đồng. Ngoài ra, xã còn thành lập 1 HTX nuôi trâu vỗ béo quy mô trên 200 con. Giờ mỗi hộ dân ở Ngọc Chiến ít nhất có 1-2 con trâu, hộ nhiều 10-15 con trâu.

Cán bộ xã Ngọc Chiến (Mường La) tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương "trồng cỏ voi diệt cỏ dại".

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi nói chung và đại gia súc nói riêng, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 2 nghị quyết; HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết và 167 văn bản về chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có phát triển chăn nuôi đại gia súc... Tỉnh đã huy động, sử dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình 30a, chương trình 135 đã hỗ trợ bà con gần 200.000 con bò giống, tổng kinh phí trên 1.400 tỷ đồng; hỗ trợ gần 300 tỷ đồng xây dựng hàng nghìn chuồng trại, cung ứng thức ăn chăn nuôi cho người dân. Bên cạnh đó, các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi trên 8.000 ha đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, tận dụng diện tích đất trống xung quanh vườn nhà, trên nương đồi trồng cỏ voi, VA06. Chính vì vậy đàn trâu, bò luôn tăng qua các năm, hiện có trên 124.000 con trâu, gần 332.000 con bò thịt.

Chăn nuôi đại gia súc được xác định là một trong những ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nuôi trâu vỗ béo, nuôi trâu, bò nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ voi không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, xóa bỏ tập quán nuôi nhốt dưới gầm sàn, mà còn bảo đảm môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn cần có những định hướng chiến lược và giải pháp đồng bộ để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới