Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ hàng ngày cho đời sống xã hội, có tác động rất lớn đến thị trường tiêu dùng. Hiện, mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm phục vụ các phương tiện vận tải và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh và bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn.

Cán bộ Chi cục Thuế Thành phố chốt số liệu công tơ đồng hồ đo xăng dầu

tại cửa hàng xăng dầu số 3 Bó Ẩn (Thành phố).

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 126 cơ sở kinh doanh xăng dầu. Nguồn cung ứng sản phẩm xăng dầu cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh gồm Chi nhánh Xăng dầu Sơn La; Công ty cổ phần xăng dầu, dầu khí Hà Nội tại Hòa Bình; Chi nhánh PVOL Hòa Bình; Công ty TNHH xăng dầu Sông Thao... Triển khai Kế hoạch số 410/KH-BCĐ 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tập trung đánh giá hoạt động kinh doanh xăng dầu, theo đó, trên địa bàn không xảy ra tình trạng nhập lậu xăng dầu, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng; lượng xăng dầu bán ra tăng nhanh. Tuy nhiên, việc thu nộp thuế của các đơn vị tăng chưa tương xứng do ý thức chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, hóa đơn, chứng từ của người tiêu dùng và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu còn hạn chế. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong kinh doanh, gây tổn hại đến các cơ sở kinh doanh chân chính và người tiêu dùng. Vì vậy, để chống thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo gồm: Cục Thuế tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ tổng tại 100% các phương tiện đo xăng dầu của các đơn vị kinh doanh. Định kỳ vào ngày đầu và ngày cuối của tháng, quý, cơ quan thuế đến cơ sở kinh doanh xăng, dầu chốt số liệu công tơ đồng hồ đo xăng dầu của từng cơ sở kinh doanh để xác định doanh thu và thuế phải nộp. Qua đó, đối chiếu với tờ khai của người nộp thuế, đối chiếu với hóa đơn đầu vào của nhà cung cấp, nếu có chênh lệch, cơ quan thuế sẽ tiến hành xử phạt và truy thu thuế theo quy định. Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh về hiệu quả của việc dán tem niêm phong công-tơ tổng tại các cột bơm xăng dầu, sau thời gian thực hiện, kết quả rất rõ nét, sản lượng tiêu thụ tăng, số thuế các doanh nghiệp phải nộp tăng 12,5-15%.

Bên cạnh việc dán tem niêm phong, kẹp chì đồng hồ trên các phương tiện đo xăng, dầu, đoàn kiểm tra liên ngành còn tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân làm tổng đại lý, đại lý bán lẻ và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 3/2018, Đoàn đã kiểm tra 124 cơ sở kinh doanh. Kết quả kiểm tra, đa số các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, như: Niêm yết giá, thời gian bán hàng rõ ràng và bán theo đúng giá Nhà nước đã điều chỉnh công bố. Việc thực hiện dán tem kiểm định phương tiện đo, niêm phong cột bơm đúng quy định, có hợp đồng cung cấp xăng dầu đầy đủ, rõ ràng của các thương nhân đầu mối. Công tác đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện đúng quy định của pháp luật . Chỉ có 3/124 cơ sở vi phạm bị xử lý, với tổng số tiền thu phạt trên 45 triệu đồng do kinh doanh xăng dầu khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Để siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, bảo đảm công bằng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn nguồn xăng dầu không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp đại lý, thương nhân nhận quyền tiếp nhận hàng xăng dầu trôi nổi từ địa bàn khác về làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý về giá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chứng chỉ về mặt nghiệp vụ, điều kiện cần và đủ để kinh doanh mặt hàng xăng dầu của các doanh nghiệp.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới