Cây Sơn tra - Màu xanh no ấm trên vùng cao: Kỳ 2: Nâng tầm thương hiệu táo sơn tra Sơn La

Từng là cây mọc tự nhiên trên các triền núi cao, sơn tra được thuần hóa và trở thành một trong những loại cây chủ lực giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo. Một tin vui cho người trồng sơn tra của Sơn La, trong kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2019 của tỉnh sẽ có khoảng 1.000 tấn quả sơn tra tươi. Kỳ vọng đây sẽ là “chìa khóa” mở cánh cửa đưa quả sơn tra xuất ngoại, mang “vàng” về cho đồng bào các dân tộc vùng cao.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao quyền sử dụng

Nhãn hiệu chứng nhận táo sơn tra Sơn La cho các đơn vị trên địa bàn huyện Bắc Yên.

Nhãn hiệu Táo sơn tra Sơn La

Sơn tra còn được gọi bằng một số cái tên khác như táo mèo, táo rừng, chi tô dì (tiếng Mông), mắc cắm (tiếng Thái), mắc sắm chá (tiếng Tày). Ngoài phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, quả sơn tra ở Tây Bắc có vị chát, chua, ngọt, thơm đặc trưng, được sử dụng rộng rãi trong chế biến nước quả, rượu và là vị thuốc quý trong đông y, có tác dụng chữa một số bệnh về đường tiêu hóa. Thành phần quả sơn tra có các hợp chất polyphenol, tanin, saponin, axit hữu cơ, amino axit; trong đó, có một số hợp chất quan trọng tương tự quả bắc sơn tra (Crataegus pinnatifida Bunge) như axit triterpene, axit chlorogenic, có thể sử dụng quả sơn tra thay cho quả bắc sơn tra hiện vẫn phải nhập từ Trung Quốc.

Trước đây, cây sơn tra đã được Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australian (ACIAR) và Trung tâm Nông lâm quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam  phối hợp với Viện Dược liệu (NIMM) sản xuất thử nghiệm và xây dựng quy trình sản xuất cao sơn tra và trà tan. Các sản phẩm này được coi là thực phẩm chức năng, có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến béo phì, tim mạch và chống oxy hoá. Để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho người dân trồng sơn tra, năm 2013, Dự án AFLI đã thí điểm thành lập nhóm sản xuất sơn tra tại 2 huyện Thuận Châu (Sơn La) và huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Mỗi nhóm có khoảng 15 thành viên tham gia, được tập huấn kỹ thuật thu hái, phân loại, đóng gói sản phẩm. Dự án cũng hỗ trợ nhóm sản xuất tiếp cận, bán sản phẩm tại thị trường Hà Nội thông qua liên kết với một số cửa hàng bán lẻ và siêu thị, giá bán quả sơn tra tươi cao hơn giá bán tại thị trường địa phương từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Sản phẩm quả sơn tra trưng bày tại Hội chợ nông sản huyện Thuận Châu năm 2018.

Đặc biệt, tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Yên tháng 9/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La cho chủ sở hữu là Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La công bố Quyết định trao quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận táo sơn tra Sơn La cho 3 đơn vị trên địa bàn huyện Bắc Yên, gồm: Công ty TNHH Bắc Sơn, HTX Sơn tra Nậm Lộng (xã Hang Chú) và HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp sơn tra Bắc Yên.

Vươn ra thị trường thế giới 

Quả sơn tra là 1 trong 16 sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh. Tuy nhiên, việc bao tiêu sản phẩm cho người dân hiện nay vẫn gặp khó. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có 2 doanh nghiệp thu mua và chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra, đó là Công ty TNHH Bắc Sơn và Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc. Cả hai đơn vị này đều tại địa bàn Bắc Yên, nhưng công suất hoạt động chỉ đảm bảo tiêu thụ khoảng 20% sản lượng quả sơn tra tươi của địa phương, còn lại đều thông qua tư thương.

Chia sẻ về hướng phát triển và tiêu thụ sản phẩm quả sơn tra, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành đã có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoàn thiện cơ sở chế biến các sản phẩm hoa quả theo định hướng; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm quả sơn tra thông qua hệ thống siêu thị, hội chợ, tuần văn hóa giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đồng thời, thẩm định và công nhận 108 cây sơn tra trội tại huyện Mường La, Bắc Yên. Đây sẽ là nguồn cây giống quan trọng để các vườn ươm khai thác mắt ghép, nhân giống, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị thu mua và cung cấp giống phục vụ công tác trồng rừng, phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích sơn tra toàn tỉnh lên 27.800 ha, sản lượng trên 213.000 tấn.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản tại Ngày hội văn hóa, thể thao huyện Bắc Yên năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, thông tin thêm: Hiện thực hóa chủ trương của tỉnh, Bắc Yên hiện có 2.320 ha cây sơn tra (1.129 ha đã cho thu hoạch), sản lượng 2.450 tấn; giá bán vụ vừa qua trung bình từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Huyện đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp sơn tra Bắc Yên xây dựng vườn ươm cây sơn tra ghép lưu vườn, quy mô 1,4 ha, công suất gieo ươm đạt trên 30 vạn cây/năm. Trong đó, sử dụng các cây trội để ghép cải tạo và trồng sơn tra giống ghép, tạo sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng và tổ chức quản lý giống theo chuỗi. Năm 2019, tỉnh giao kế hoạch xuất khẩu 380 tấn, các xã đăng ký xuất khẩu trên 550 tấn, trong đó 59 hộ và 1 HTX đăng ký trên 190 ha.

Một số sản phẩm từ quả sơn tra của Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc (xã Tà Xùa, Bắc Yên).

Tìm hiểu về vấn đề này tại huyện Thuận Châu, được biết, thực hiện Nghị quyết số 80/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Thuận Châu đã rà soát, xây dựng kế hoạch và xác định cây sơn tra và cây dược liệu là cây chủ lực tại các xã vùng cao. Cùng với việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX Nặm Búa (xã Long Hẹ) và HTX Thanh Sơn (xã Co Mạ), huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm quả sơn tra; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến quả sơn tra.

Còn tại huyện Mường La, cây sơn tra được huyện xác định là cây trồng chủ lực xóa đói nghèo cho các bản vùng cao. Huyện đã xây dựng và ban hành nghị quyết phát triển cây sơn tra, cây ăn quả trên đất dốc; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả để đảm bảo ổn định đầu ra cho quả sơn tra. Huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động và phát huy hiệu quả nội dung cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông; đặc biệt là nội dung bảo vệ, phát triển rừng, trong đó có cây sơn tra.

Trao đổi thêm về thực hiện mục tiêu xuất khẩu hơn 1.000 tấn quả sơn tra tươi năm 2019, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: Tỉnh đã thu hút Công ty CP Lavifood ở Tây Ninh lên Sơn La khảo sát và xác định chất lượng quả sơn tra, phục vụ hoạt động chế biến của doanh nghiệp và sẽ làm đầu mối thu mua quả sơn tra tươi của Sơn La để xuất khẩu. Tỉnh ta cũng đã đưa các đoàn công tác vào Tây Ninh làm việc với Lavifoods về lĩnh vực này. Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành. Các dây chuyền sản xuất của nhà máy được nhập khẩu từ những quốc gia hàng đầu thế giới, với công nghệ hiện đại bậc nhất. Đây là tín hiệu mừng đối với tiêu thụ các sản phẩm quả nói chung và sản phẩm quả sơn tra nói riêng của Sơn La.

Theo lời chị Nguyễn Thị Thắm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc (xã Tà Xùa, Bắc Yên), niên vụ 2018, Công ty đã thu mua 10 tấn quả sơn tra, sản xuất thử nghiệm thành công các sản phẩm: cốt táo mèo, giấm táo mèo, táo mèo sấy và mứt táo mèo. Khi mang sản phẩm chào hàng, khách hàng rất ưa thích, đối tác đồng ý phân phối với quy mô lớn. Dự kiến vụ sơn tra năm 2019, Công ty sẽ tiếp tục thu mua quả sơn tra đang được dự án ACIAR trồng thử ở Thuận Châu. Nếu thành công, năm 2020, Công ty sẽ triển khai sản xuất công nghiệp, phân phối quy mô lớn phục vụ trong nước và xuất khẩu, sản lượng dự kiến từ 100 - 300 tấn quả sơn tra tươi/năm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của Công ty là giống và chất lượng quả sơn tra không đồng đều, do được trồng từ nhiều loại giống khác nhau.

Với những giải pháp mang tính chiến lược từ công tác quy hoạch, cải tạo nâng cao chất lượng vùng trồng theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đặc biệt là hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường mà tỉnh đã và đang triển khai, quả sơn tra tươi và các sản phẩm sơn tra mang thương hiệu Sơn La đã và đang vươn ra thị trường không chỉ trong nước mà còn trên thế giới, mang về những “mùa vàng” cho người trồng sơn tra, góp phần hiện thực hóa lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Trần Hiền - Minh Thu

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới