Cây nỏ của người Mông

Nếu ngày xưa, cây nỏ (hay còn gọi là cây cung) của người Mông được sử dụng như một công cụ để đi săn, bắn, thì đến ngày nay, cây nỏ còn được đưa vào thi đấu trong các môn thi đấu thể thao dân tộc, tạo những kỳ tích thú vị.

 

Cây nỏ luôn được thế hệ cha ông bản Pha Khuông, xã Co Mạ gìn giữ.

 

Theo truyền thuyết của người Mông, từ thuở xa xưa có 9 mặt trăng, 9 mặt trời cùng chiếu sáng dưới trần gian, người Mông không phân biệt được đâu là ban ngày, đâu là ban đêm, rồi xảy ra hạn hán, đất khô cằn, cây cối không nảy mầm được, khiến cuộc sống người Mông bị đảo lộn, từ đó người Mông mới nảy sinh ý tưởng làm ra cây nỏ bằng gỗ, mũi tên làm bằng một loại tre đặc biệt, sau đó bắn mũi tên lên trời để hạ 8 mặt trăng, 8 mặt trời và cuối cùng chỉ còn lại một mặt trăng, một mặt trời. Kể từ đây mới có ban ngày, ban đêm, cuộc sống lao động, sản xuất của người Mông trở lại bình thường. Sự tích cây nỏ bắt nguồn từ truyền thuyết đó.

Người Mông chủ yếu sinh sống trên những vùng núi cao, với người đàn ông người Mông, dù lên nương hay lên rừng đều mang theo bên mình cây nỏ với những mũi tên sắc nhọn đi săn. Xưa kia, khi người Mông chưa chế tạo ra súng kíp, thường dùng cây nỏ để đi săn bắt, người đàn ông nào khi trưởng thành hầu như cũng đều phải biết săn, bắt thú rừng. Cây nỏ ngoài công dụng là dùng đi săn, nó còn là vũ khí bảo vệ gia đình khỏi thú dữ, là biểu tượng cho sức mạnh, tài năng của người đàn ông, người đàn ông nào săn, bắn giỏi luôn được các cô gái quý mến và được cộng đồng khen ngợi.

Cây nỏ được làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau, như: gỗ lim, gỗ nghiến và một số loại cây khác; cánh được làm bằng loại tre có độ dày và phải là tre già lâu năm, kích thước thân nỏ và cung tùy  thuộc vào sở thích và sức khỏe của mỗi người; dây thì được làm bằng vỏ cây lanh, sở dĩ cây lanh được chọn bởi đây là loại cây thường được người Mông sử dụng trong dệt vải và rất bền, chắc. Mũi tên được làm nhiều loại tre khác nhau, độ dài bằng nửa thân cánh.Cò của cây nỏ người Mông khác với cây nỏ một số dân tộc khác, đó là người làm cây nỏ sẽ đục một lỗ ở giữa thân cây nỏ và làm cái cò bằng gỗ để lắp vào. Để làm được cây nỏ đẹp và bắn chính xác phải tùy thuộc vào sự khéo tay, cách chọn các loại gỗ.

Nếu trước kia, người Mông chuyên dùng cây nỏ để đi săn, bắt thú thì ngày nay, cây nỏ đã trở thành một trong những dụng cụ săn “huy chương” trong các giải thể thao. Xưa chỉ có đàn ông được dùng cây nỏ còn ngày nay với sự bình đẳng giới, chị em cũng mạnh dạn tham gia thi đấu bắn nỏ và giành nhiều thành tích cao.

Ông Vừ Sua Ly, người có uy tín ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ (Thuận Châu), tâm sự: Với người Mông, cây nỏ như là một vật linh thiêng và luôn được các thế hệ gìn giữ làm vật dụng treo trong nhà. Cây nỏ dù ngày xưa hay ngày nay, ngoài mang đi săn và được các chàng trai, cô gái người Mông mang đi thi đấu trong thể thao, cây nỏ còn có một ý nghĩa đặc biệt là vật để bảo vệ cho linh hồn người đã khuất, vì vậy, khi có người mất, người ta thường đặt cây nỏ cùng một mũi tên lên ngôi mộ .

A Mua (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới