Cây mận hậu ở thị trấn Nông trường Mộc Châu

Thị trấn Nông trường Mộc Châu là địa bàn có diện tích trồng cây mận hậu lớn nhất huyện Mộc Châu, giá trị của cây mận hậu ngày càng được nâng cao, trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập ổn định và giúp bà con làm giàu từ cây trồng này.

 

Người dân tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu thu hoạch mận hậu.

 

Được đưa vào trồng từ năm 1986, từng trải qua nhiều thăng trầm của việc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” nhưng với sự kiên trì, chịu khó của bà con, cây mận hậu nơi đây vẫn được duy trì, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện, toàn thị trấn Nông trường có 686,2 ha cây mận hậu, trong đó 655 ha đã cho sản phẩm, sản lượng bình quân đạt hơn 13.000 tấn/năm, chủ yếu ở tiểu khu Bản Ôn, Tà Loọng, Pa Khen 1, 2, 3... Vào vụ, những thương lái ở Hà Nội và các tỉnh khác lên ở tại nhà dân để đóng hàng. Cũng có người thu mua cả mận xanh và mận chín, với giá bình quân từ 15.000-25.000 đồng/kg mận.

Là cây trồng lâu năm ở thị trấn Nông trường, mận hậu không chỉ cho thu hoạch vào mùa vụ mà còn ra quả trái mùa (thường vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau). Số lượng quả ít, chất lượng quả không được ngon như mận chính vụ nhưng vẫn thu hút khách mua, đặc biệt là khách du lịch. Nhờ thu nhập từ mận hậu, đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhiều hộ đã làm giàu từ cây trồng này. Anh Bàn Văn Giáp, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Tà Loọng cho biết: Tiểu khu hiện có 220 hộ dân, trong đó 90% số hộ trồng mận, với gần 130 ha. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến một tỷ như gia đình các ông: Nguyễn Hữu Hoạt, Lý Văn Sâm, Đặng Đức Chiến, Nguyễn Thiện Chung… Hiện, tiểu khu chỉ còn 2,7% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Thị trấn đã xảy ra 2 đợt mưa đá, kèm theo gió lốc mạnh gây thiệt hại gần 500 ha mận hậu tại các tiểu khu Tà Loọng, Pa Khen 1,2... Ông Đào Văn Đệ, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường cho biết: Để khắc phục thiệt hại, UBND Thị trấn đã về kiểm tra diện tích thiệt hại; chỉ đạo các tiểu khu kê khai, rà soát những hộ gia đình bị thiệt hại, lập danh sách để đề nghị hỗ trợ. Với quả bị rụng, hướng dẫn người dân nhặt bán mận xanh. Bên cạnh đó, bà con sử dụng tre, cây gỗ để dựng chắc chắn những cành mận có nguy cơ bị gãy, đổ... Hiện tại, công tác khắc phục thiệt hại đã ổn định, người dân bắt đầu vào đầu vụ thu hoạch mận chín.

Ngoài thu nhập từ mận hậu, người dân nơi đây còn tận dụng diện tích đất trống dưới tán cây mận, trồng các loại cây ngắn ngày như củ cải, bắp cải, gừng, lạc... để có thêm nguồn thu nhập. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, vào mùa hoa mận nở rộ thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tới tham quan và chụp ảnh, tập trung nhiều nhất ở thung lũng mận Nà Ka. Do vậy, một số hộ đã phát triển dịch vụ du lịch nhà vườn để du khách đến trải nghiệm vườn mận... Cùng với đó, do diện tích lớn, chất lượng quả cao, hằng năm, thung lũng mận Nà Ka, tiểu khu Pa Khen 1 được huyện Mộc Châu chọn làm địa điểm tổ chức Ngày hội hái quả nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận hậu Mộc Châu. Đồng thời, tạo cơ hội để những người trồng mận được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây mận hậu; tìm hiểu các sản phẩm từ quả mận hậu...

Sản phẩm mận hậu ở thị trấn Nông trường Mộc Châu đã có thương hiệu riêng, hơn nữa còn có tiềm năng du lịch từ cây trồng này. Phát triển cây mận hậu ở thị trấn Nông trường Mộc Châu là hướng đi phù hợp, hiệu quả trong phát triển kinh tế. Mận hậu đã và đang mang lại cuộc sống khá giả cho người dân thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Huyền Trăng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới