“Cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Để giải đáp câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì đạt hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân ở các xã trên địa bàn huyện Bắc Yên đã tìm đến cán bộ khuyến nông để được tư vấn, hướng dẫn phát triển sản xuất. Những năm qua, các cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Yên đã thực sự làm tốt vai trò “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân, được bà con nông dân tin tưởng, làm theo.

Cán bộ khuyến nông xã Xím Vàng hướng dẫn người dân chăn sóc cây sơn tra.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Yên, cho biết: Trung tâm hiện có 20 cán bộ, nhân viên, trong đó 13 người làm công tác chuyên môn. Để chủ động bám nắm cơ sở cũng như thuận lợi trong việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân, Trung tâm đã chia các xã trong huyện thành 3 khu vực, gồm: Các xã dọc sông Đà, các xã vùng cao và các xã nằm bên quốc lộ 37. Từ đó, phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa; hỗ trợ cho cán bộ khuyến nông các xã khi cần thiết.

Trên thực tế, đất sản xuất nông nghiệp huyện Bắc Yên chủ yếu là đất đồi, núi có độ dốc lớn; khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật sản xuất của người dân ở các xã không đồng đều. Trong quá trình chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, cán bộ khuyến nông luôn nghiên cứu tìm cách thức truyền đạt dễ nhớ, dễ hiểu nhất; hướng dẫn bà con theo cách “cầm tay chỉ việc”, phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân ở từng vùng. Trong đó, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng... Riêng trong năm 2019, Trung tâm đã tổ chức hơn 20 lớp chuyển giao kỹ thuật cho trên 800 lượt người. Nội dung chủ yếu là hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng, như: Xoài, nhãn đối với các xã vùng dọc sông Đà; hướng dẫn kỹ thuật trồng cây sơn tra, thảo quả và một số loại rau màu phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của mùa đông trên các xã vùng cao của huyện... Ngoài ra, Trung tâm còn phân công cán bộ về các xã phối hợp với chính quyền xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về cách tận dụng những sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi; hướng dẫn người dân cách sử dụng liều lượng, cách pha chế các dung dịch phun tiêu độc, khử trùng; kỹ thuật xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, hợp vệ sinh để phòng dịch bệnh. Đặc biệt, hướng dẫn người dân cách ly vật nuôi nhiễm bệnh với đàn khi có dịch bệnh xảy ra; phương pháp tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do dịch bệnh, tránh gây ô nhiễm môi trường...

Bên cạnh đó, Trung tâm còn là đầu mối trong việc xây dựng, triển khai các mô hình kinh tế điểm tại các xã, đến nay, đã có 5 mô hình trồng thảo quả, quy mô 38,7 ha; trồng 183 ha cây sơn tra, 61 ha cây chè tại xã Tà Xùa, Háng Đồng… Điều ghi nhận là, từ vai trò “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân, Trung tâm đã góp phần từng bước làm thay đổi cách thức sản xuất lạc hậu của người dân sang sản xuất hàng hóa, với việc đưa giống mới có năng suất cao, có giá trị kinh tế vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có trên 2.000 ha cây ăn quả được trồng thay thế cây sắn, cây ngô trên diện tích đất nương; chăn nuôi đã và đang phát triển theo quy mô hộ gia đình, trang trại.

Năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Yên tiếp tục phối hợp với các xã tổ chức các lớp hướng dẫn người dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn bà con cải tạo đất bạc màu, tăng độ phì nhiêu cho đất để nâng cao năng suất cây trồng. Tập trung triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, theo dõi sát tình hình để tuyên truyền, vận động người dân tái đàn ở mức an toàn, tránh để dịch bùng phát trở lại, giảm tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới