Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất

Theo báo cáo nhanh ngày 23/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dự báo từ ngày 23 - 24/5, trên các sông, suối nhỏ thượng sông Thao và sông Lô có khả năng xuất hiện 1 đợt nước lên với biên độ từ 0,3 - 0,7m.

Ảnh minh họa.


Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Về tình hình thiệt hại do thiên tai, tại tỉnh Vĩnh Long, theo báo cáo nhanh số 18/BC-PCTT&TKCN ngày 22/5/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong các ngày 19, 20/5/2018 đã xảy ra 2 điểm sạt lở: Tại bờ sông Vũng Liêm thuộc ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, sạt lở xảy ra đêm 20/5/2018 trên chiều dài 50 m, rộng 10-15 m làm 2 căn nhà sụp hoàn toàn và 1 căn nhà sụp 50%, 1 xe máy và nhiều vật dụng bị trôi xuống sông. Ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Tại bờ kênh Hai Quý, khóm 1, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, sạt lở xảy ra đêm 19/5/2018 trên chiều dài 60 m, rộng 2-4 m, ảnh hưởng 9 hộ dân. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan đã khảo sát vị trí sạt lở, điều động lực lượng giúp dân di chuyển ổn định chỗ ở; hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại.

Tại tỉnh Cà Mau, theo báo cáo nhanh số 29/BC-VP ngày 22/5/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ ngày 18/5 đến ngày 21/5 đã xảy ra 12 vụ sạt lở với tổng chiều dài 286m tại huyện Đầm Dơi (các xã: Thanh Tùng, Tân Tiến, Quách Phẩm) và huyện Năm Căn (các xã: Đất Mới, Tam Giang) làm thiệt hại 1 căn nhà, 103m đường giao thông nông thôn, ước tính 171 triệu đồng và còn có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ dân khắc phục hậu quả.

Tại Thành phố Cần Thơ, theo báo cáo số 96/BC-UBND ngày 22/5/2018 của UBND thành phố, trên tuyến sông Ô Môn, đoạn qua ấp Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn đã xảy ra 3 đợt sạt lở trong các ngày 7/5, 10/5 và 21/5/2018 với tổng chiều dài là 55 m (khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở khoảng 160 m), sâu vào bờ đoạn lớn nhất khoảng 10 m làm 5 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông, 14 căn bị sạt một phần, 15 hộ dân khác phải di dời khẩn cấp. Tình hình sạt lở vẫn đang diễn biến phức tạp. UBND, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp các đơn vị liên quan đã kiểm tra hiện trường, huy động lực lượng hỗ trợ di dời dân; thực hiện các biện pháp cảnh báo; mời Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đến khảo sát, đánh giá và tìm giải pháp khắc phục; hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại tổng số tiền là 365 triệu đồng.

Tại Bình Thuận, theo báo cáo số 109, 110/BC-PCTT ngày 21/5/2018 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tình hình dông lốc sét xảy ra như sau: Trong các ngày 18, 20/5, dông lốc xảy ra tại huyện Tánh Linh làm 1 người chết (anh Thông Hoàng, dân tộc Chăm, sinh  năm 1989, thường trú tại Khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh); hư hỏng, tốc mái 3 nhà; 1.600 cây cao su, 100 cây điều bị gãy đổ. Khoảng16 giờ ngày 21/5, dông lốc sét đã xảy ra tại khu vực Bãi 2, thôn Bon Thop, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình làm chết 1 người (Anh K Ẻm, sinh năm 1992 - trú thôn Bon Thop, xã Phan Sơn). Ước tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân, hỗ trợ dọn dẹp, khắc phục tạm thời chỗ ở cho dân.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cảnh báo mưa dông và sạt lở đất; thông tin đến các địa phương để chủ động ứng phó./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới