Càng khó càng phải chống triệt để!

Ngày 9/12 hằng năm đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là “Ngày quốc tế phòng chống tham nhũng”; Nhà nước ta cũng đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Cuộc nhàn đàm của mấy bác ngõ nhà tôi cũng bất ngờ nóng lên khi bàn về vấn đề này.

 

Buông từng tiếng, ông trung niên nêu vấn đề:

- Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, hiện hữu ở mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, giàu nghèo, chẳng từ phát triển hay kém phát triển. Tham nhũng tồn tại do sự  thoái hóa, biến chất của những người có chức, có quyền. Không chỉ có trong một cơ quan, đơn vị mà còn cấu kết nhiều lĩnh vực. Không chỉ lĩnh vực kinh tế (quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, vốn, tài sản Nhà nước...) mà còn trong giáo dục, y tế, chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện... gây thiệt hại to lớn về kinh tế, hậu quả khôn lường về chính trị, tư tưởng.  

Chống cằm, nét mặt bác da ngăm ngăm đầy ưu tư:

- Loại “giặc nội xâm” này không dễ loại trừ đâu nhé. Nó tồn tại được do nhiều nguyên nhân: Hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ, khoa học; thực hiện chính sách, chế độ thiếu minh bạch, thủ tục hành chính rườm rà; thu nhập còn thấp; sơ hở trong quản lý, điều hành; kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ, đồng bộ; xử lý vi phạm chưa kịp thời, nghiêm khắc. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận người dân, có thái độ thờ ơ, “mũ ni che tai”, dung túng thói quen vòi vĩnh của người thực thi công vụ, tạo thành lệ, làm hư hỏng cán bộ, gây bất bình đẳng trong xã hội.

Xoắn vặn hai bàn tay, anh chàng nhỏ thó phát biểu:

- Theo em, nạn tham nhũng có cơ hội tồn tại còn do một vài cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thực hiện nghiêm kỷ cương phép nước, chưa phát huy đầy đủ, nghiêm túc vị trí, vai trò của mình. Trên thực tế, có lúc, có nơi tiêu cực, tham nhũng hiện diện ngay trong những cơ quan chức năng. Thêm nữa, việc khuyến khích, bảo vệ và bênh vực cá nhân, tập thể dám đấu tranh, “vạch mặt, chỉ tên” hành vi tham nhũng trên các lĩnh vực chưa như mong muốn; chưa khai thác tốt các kênh thông tin, lắng nghe, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân. Nên nhớ, phát hiện tiêu cực, tham nhũng không khó khăn, phức tạp bằng việc xét xử kịp thời và nghiêm minh loại tệ nạn này. 

Hài lòng thấy rõ, ông trung niên chắc nịch:

- Chống tham nhũng rất khó, nên càng phải quyết tâm, thống nhất, triệt để phòng, chống. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phòng chống tham nhũng; bảo đảm sự minh bạch trong các hoạt động của cơ quan công quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin; coi trọng công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Khi phát hiện vụ việc hoặc dấu hiệu tham nhũng, kiên quyết thanh tra, kiểm tra đến nơi đến chốn, có biện pháp xử lý, răn đe đủ mạnh nghiêm minh đúng luật, đúng người, đúng tội. Chỉ có thế mới loại trừ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, các chú nhất trí không?

Nguyễn Quang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới