Cần sớm di chuyển dân bản Há Sét đến nơi ở mới an toàn

Những ngày gần đây, trên địa bàn xã Nà Ớt (Mai Sơn) xảy ra mưa to dài ngày, khiến 39 hộ dân ở bản Há Sét lo lắng bởi khu đất nền ở bản có thể sụt lún và sạt lở bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của gia đình. Để bảo vệ người dân sau mỗi đợt mưa lớn, UBND xã Nà Ớt đều cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra địa bàn và tuyên truyền, vận động các hộ dân tạm thời sơ tán người và tài sản để tránh thiệt hại xảy ra.

 

Khu đất sụt lún sâu gần 1m trước nhà dân ở bản Há Sét, xã Nà Ớt (Mai Sơn).

                 

Ông Sồng A Chu, Chủ tịch UBND xã Nà Ớt, cho biết: Qua rà soát, đánh giá từ năm 2018, trên địa bàn xã có 41 hộ dân ở bản Há Sét nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Trước thực trạng trên, UBND xã Nà Ớt đã báo cáo huyện về việc hỗ trợ 41 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn và được UBND huyện Mai Sơn đồng ý. Tuy nhiên, do địa hình ở xã Nà Ớt chủ yếu là đồi, núi dốc nên không có mặt bằng để bố trí điểm tái định cư, vì vậy mới chỉ có 2 hộ (mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng) để di chuyển đến nơi an toàn. Hiện nay, xã cũng đã tổ chức họp các hộ dân ở bản để vận động các hộ tự đổi đất làm nhà ở vị trí an toàn, xã sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/1 hộ theo quy định của Nhà nước, nhưng đến nay, các hộ vẫn chưa tìm được nơi ở mới.

 

 

 

Bức tường kè bê tông ngăn sạt lở đất, đá ta luy dương trên quốc lộ 4G

có hiện tượng nghiêng so với thiết kế công trình.

                 

Theo quan sát của chúng tôi tại bản Há Sét, các hộ dân nằm ngay trên đất phía trên ta luy dương của quốc lộ 4G. Anh Lò Văn Thương, Trưởng bản Há Sét, cho biết: Đây là nơi có địa chất yếu, mỗi lần mưa to dài ngày là đất lại nhũn ra và sạt lở xuống quốc lộ 4G, vì vậy năm 2002,  Nhà nước đã cho xây dựng tường bê tông dài gần 30m, dày 1m để chống sạt lở. Phần đất bên trên bức tường hiện có 4 hộ dân đang ở; thời gian gần đây, bức tường bê tông có hiện tượng nghiêng ra so với thiết kế ban đầu của công trình và khu đất phía trên của 4 nhà dân cũng xuất hiện những vết nứt dài, có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân vẫn chưa có phương án di chuyển bởi thiếu mặt bằng. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của các hộ dân, sau mỗi đợt mưa to dài ngày, cán bộ xã, bản đều đến kiểm tra và tuyên truyền, giúp các hộ dân tạm thời di chuyển đến nhà người thân, tránh trú an toàn.

                 

Anh Lò Văn Hùng là 1 trong 4 hộ dân ở đây, nói: Những đợt mưa to kéo dài, gia đình tôi rất lo lắng vì ngôi nhà đang ở có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Đến bây giờ, gia đình tôi vẫn chưa tìm được nơi ở mới. Rất mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp giúp các hộ dân chúng tôi di chuyển khỏi địa bàn này.

                 

Tiếp tục thực tế tại nhà ông Quàng Văn Một, 67 tuổi, tại khu nhà văn hóa bản Há Sét, khu vực này có 8 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ông Một lo lắng: Phần đất trước cửa nhà tôi trước đây cao bằng nền nhà, nhưng sau trận mưa lớn năm 2018 đã bị sụt lún xuống gần 1m. Chúng tôi đang lo bị sạt lở và rất mong được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn. 

                 

Qua thực tế, 39 hộ dân ở bản Há Sét đều nằm ở nơi có địa chất yếu và nguy cơ sạt lở rất cao. Trước thực trạng trên, rất mong các cơ quan chức năng của huyện Mai Sơn sớm vào cuộc, đưa ra giải pháp hiệu quả giúp các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn, để bà con yên tâm sinh sống và sản xuất.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới