Cân nhắc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế

Dự Luật Thỏa thuận quốc tế đề xuất ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã chỉ áp dụng đối với khu vực biên giới.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

 Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 46, chiều 13/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận chiều 13/7 là có nên mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã hay không.

Trình bày báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp huyện, UBND cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong tình hình mới, dự thảo quy định ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã chỉ áp dụng đối với khu vực biên giới.

Dự thảo Luật cũng giới hạn một số nội dung về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, dự thảo luật quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi quyết định về việc ký thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.

Tại phiên họp, cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước đây dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có rất nhiều thỏa thuận quốc tế được kí ở cấp huyện, cấp xã. Đến nay khi trình độ cán bộ cấp huyện, cấp xã đều đã được nâng lên, việc tiếp cận công nghệ thông tin và thông tin đối ngoại cũng tốt hơn thì việc hạn chế chủ thể kí kết thỏa thuận quốc tế chỉ ở các huyện, xã biên giới cần được giải trình làm rõ hơn.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thực tế ngoại giao Nhân dân rất đa dạng và phát huy hiệu quả mà không chỉ ở các huyện, xã biên giới. Thực tế có những liên minh thành phố, đô thị hay quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố, thị xã, thị trấn đã triển khai hỗ trợ rất tốt. Do đó cần có sự đánh giá mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế để thúc đẩy hoạt động ngoại giao Nhân dân.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì cho rằng chỉ nên quy định đến mức cấp huyện là cấp cuối cùng được ký thỏa thuận quốc tế, không nên mở rộng đến cấp xã. Bởi lẽ, cấp huyện là một cấp có cơ quan tham mưu, giúp việc và trình độ cán bộ, sự am hiểu về mặt luật pháp và tất cả các lĩnh vực đảm bảo để có thể ký thỏa thuận quốc tế. Còn từ cấp xã trở xuống không nên quy định có thẩm quyền và văn bản giữa cấp xã với nhau và cấp thôn bản với nhau thì không coi là văn bản thỏa thuận quốc tế. Cấp xã, cấp thôn, bản nên coi là cấp thực hiện.

Báo cáo thêm tại phiên họp về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, thực tế thời gian qua, cấp huyện, cấp xã đã ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế do đó cần quy định trong Luật trình tự, thủ tục để các cấp có thể thực hiện. Tuy nhiên, qua thảo luận tại Kỳ họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cấp huyện, cấp xã không đủ năng lực ký kết. Do đó, dự kiến thu hẹp phạm vi bên ký kết áp dụng đối với cấp huyện, cấp xã ở biên giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho rằng nếu quy định theo hướng này sẽ bỏ sót chủ thể là các thành phố trực thuộc tỉnh. 

Cũng trong chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới