Cần có giải pháp đồng bộ bảo vệ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất: Kỳ 2: Bảo vệ nguồn nước gắn với phát triển sản xuất bền vững

Nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường

Theo quy định của pháp luật, cơ sở chế biến cà phê có công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với công nghệ chế biến khô, từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên đối với công nghệ chế biến ướt, phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt (quy định tại khoản 1, Điều 12, Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường); các cơ sở quy mô nhỏ hơn phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện xác nhận. Như vậy, đối với các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, chế biến cà phê quy mô nhỏ phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện và chỉ được phép thực hiện sau khi được xác nhận (quy định tại khoản 3, Điều 19, Nghị định 18/2015/NĐ-CP).

Công nhân Công ty CP Cấp nước Sơn La lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt ở Mộc Châu.

Để ngăn chặn các hành vi chủ cơ sở không tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; không thực hiện đúng cam kết với các cơ quan Nhà nước trong hoạt động xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường về ban đêm, lúc mưa to, thời gian các cơ quan Nhà nước nghỉ hoặc không giám sát thường xuyên 24/24h, xây dựng các công trình bảo vệ môi trường qua loa, chưa đảm bảo chất lượng..., đồng chí Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Cơ quan chức năng, các huyện, thành phố cần tập trung cao công tác kiểm tra, giám sát việc thẩm định an toàn môi trường, tập trung vào các yếu tố: Chất lượng thẩm định, phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường cấp huyện, đây là nội dung rất quan trọng trong thực hiện hoạt động sơ chế, chế biến cà phê. Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường cần phải đảm bảo chặt chẽ, đánh giá một cách chính xác lượng nước thải, chất thải rắn, khí thải phát sinh, từ đó đưa ra biện pháp giảm thiểu phù hợp cũng như lựa chọn công nghệ xử lý nhằm xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh do hoạt động của cơ sở. Ngoài ra, trong nội dung kế hoạch cũng phải tính đến các vấn đề an toàn, ứng phó với sự cố không mong muốn như các biện pháp cách ly không cho nước mưa chảy vào hệ thống xử lý nước thải, việc gia cố bờ hồ, thành bể chứa nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê. Nâng cao ý thức chấp hành công tác bảo vệ môi trường của chủ cơ sở, hộ gia đình sơ chế, chế biến cà phê sau khi đã được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của cấp có thẩm quyền. Đây là vấn đề rất quan trọng mang tính chất quyết định nhất trong công tác bảo vệ môi trường, bởi một cơ sở mặc dù được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải đảm bảo xử lý được các vấn đề môi trường phát sinh, nhưng nếu không ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, vì lý do kinh tế, phải chi phí tốn kém cho việc duy trì hoạt động của hệ thống xử lý chất thải, thì họ sẵn sàng lén lút xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Quy hoạch khu chế biến nông sản gắn với giám sát tác động môi trường

Một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua, đó là khi các cơ sở vi phạm ô nhiễm môi trường bị đình chỉ hoạt động dẫn đến ảnh hưởng tới các hộ dân trồng cà phê; các hộ dân thường có đơn kiến nghị với các cấp chính quyền yêu cầu cho các cơ sở hoạt động để họ thu mua cà phê quả, cà phê nhân cho người dân. Do đó, giải pháp căn bản, cần thiết nhất là các địa phương sớm quy hoạch khu vực chế biến cà phê trên từng vùng trồng nguyên liệu, gắn với thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cà phê với đầy đủ hệ thống xử lý về môi trường (lựa chọn ví trí thực hiện dự án nằm ở cách xa nguồn nước, khu dân cư...), đảm bảo xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê. Việc quy hoạch vùng chế biến nông sản phải được cấp ủy, chính quyền địa phương coi là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài để tránh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; đây cũng là giải pháp đảm bảo bình ổn giá, tránh tình trạng ép giá, gây thiệt hại cho người trồng cà phê (giá cà phê quá thấp dẫn đến người trồng cà phê tự phát chế biến tràn lan, khó kiểm soát, không bảo đảm các ký kết...).  

Sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt của các hộ dân làm phát sinh lượng chất thải rắn và nước thải nồng độ ô nhiễm cao.

Vẫn theo đồng chí Đỗ Văn Trụ, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện bảo vệ môi trường đối với cơ sở đã được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng, bởi theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường thì UBND cấp huyện sau khi xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của cơ sở. Nếu thực hiện tốt công tác này sẽ hướng dẫn, đôn đốc cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường mà cơ sở đã đưa ra trong kế hoạch bảo vệ môi trường; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, hạn chế phát tán các loại chất thải chưa qua xử lý vào môi trường. Một giải pháp cũng cần được quan tâm, là trước mỗi niên vụ cà phê, cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường theo hướng đảm bảo chặt chẽ, yêu cầu có đầy đủ công trình xử lý, đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tập trung vào mùa vụ thu hoạch cà phê; phát hiện và cương quyết xử lý đối với các cơ sở không đáp ứng các điều kiện về môi trường, như: Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt, xác nhận; không có công trình, hệ thống xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường các loại chất thải phát sinh từ cơ sở. Đối với các cơ sở chế biến cà phê đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cần thực hiện tốt việc đôn đốc, giám sát việc triển khai thi công xây dựng công trình xử lý chất thải, thực hiện kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (nếu đảm bảo) trước khi đưa vào hoạt động chính thức. Chỉ được phép hoạt động sản xuất khi đã xây dựng hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo theo các quy định của pháp luật về xây dựng, môi trường...

Công nghệ lọc nước thải của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế (Muổi Nọi, Thuận Châu)

cần được kiểm tra, đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu triển khai thực hiện Dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với Nhà máy cấp nước số 1, số 2 thành phố Sơn La (nguồn nước hang Tát Tòng, suối Nậm La) và Nhà máy cấp nước Mai Sơn (nguồn nước suối Nậm Pàn) với mục tiêu phòng ngừa, ứng phó, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh và hành lang bảo vệ nguồn nước làm căn cứ xây dựng qui định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, nguồn nước trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La (đặc biệt tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do hoạt động sản xuất, chế biến cà phê khu vực đầu nguồn nước gây ra). Các huyện, thành phố cần sớm triển khai thực hiện Dự án này để giữ gìn, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.

Vườn đồi cà phê của một hộ dân xã Chiềng Chung (Mai Sơn).

Cùng với đó, thực hiện Nghị định số 167/2018/NĐ-CP, ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định hạn chế khai thác nước dưới đất, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sớm khoanh định, tham mưu cho UBND tỉnh công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, áp dụng các hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất phải có giấy phép thăm dò, khai thác theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước; các trường hợp khai thác trái phép phải có hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật. Về lâu dài, tỉnh ta cần quy hoạch phát triển ngành nước gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020 và năm 2025, nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu dùng nước đối với dân cư khu đô thị, cũng như đề ra các giải pháp sử dụng hợp lý, cân đối, có hiệu quả các nguồn tài nguyên nước; phát triển hệ thống cấp nước cho các khu đô thị một cách bền vững và ổn định, góp phần phục vụ tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới