Cam ngọt ở Tân Hợp

Là xã vùng III của huyện Mộc Châu, cuộc sống của người dân xã Tân Hợp chủ yếu dựa vào thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi. Những năm gần đây, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; trong đó nổi bật là mô hình trồng cam ở các bản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ dân.

 

Người dân bản Nà Mường thu hoạch cam đường canh.

 

Bây giờ, cây cam Vinh đã trở thành cây trồng thế mạnh, làm giàu cho nhiều người dân ở xã Tân Hợp. Gia đình ông Mùi Đức Viêng ở bản Nà Mường là một trong những hộ tiên phong đưa cây cam Vinh về trồng ở vùng đất này. Theo lời ông Viêng kể: Trước kia, trên đất đồi của gia đình, ông trồng nhiều loại cây ăn quả, nhưng hiệu quả không cao. Năm 2016, ông chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây cam Vinh. Sau nhiều năm chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cam Vinh đã giúp gia đình ông có thu nhập cao. Năm 2019, vườn cam Vinh của gia đình ông bán ra thị trường hơn 13 tấn quả. Vụ cam năm nay, đang cho thu hoạch, ước tính cũng được khoảng 15 tấn quả, với giá thị trường trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, ông thu về trên 100 triệu đồng.

 

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà  đời sống của gia đình ông Viêng được cải thiện rõ rệt, trở thành hộ giàu trong bản. Ông Viêng cho biết: Ưu điểm của giống cam Vinh là dễ trồng, thời gian cho thu hoạch nhanh, khả năng chống chọi sâu bệnh cao, cam vỏ mỏng, mọng nước, trung bình mỗi cây cho từ 70 - 80kg quả. Để cam Vinh đạt năng suất, chất lượng ngon, cần phải chọn được cây giống khỏe và chính gốc là cam Vinh; lúc trồng phải đảm bảo khoảng cách giữa các cây đủ ánh sáng thì quả mới ngọt; từng giai đoạn phát triển của cây thì chọn liều lượng bón phân một cách thích hợp để đạt năng suất cao nhất.

 

Tìm hiểu được biết thêm, hiện một số hộ trong xã Tân Hợp cũng đã trồng thêm cam đường canh, đây là loại cây ăn quả khó tính, nên người trồng phải chăm sóc rất công phu, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, trong đó yếu tố quan trọng nhất để cây ra được hoa là người làm vườn phải theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết và áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón các loại phân khác nhau theo từng thời điểm. Gia đình chị Mùi Thúy Đằng, bản Nà Mường, là một trong những hộ trồng cam đường canh, với hơn 300 cây đang cho thu hoạch, ước tính mỗi cây trung bình thu được 30 kg quả. Chị Đằng chia sẻ: Để cây cam đường canh phát triển tốt và sai quả, đảm bảo cam sạch và an toàn, gia đình tôi đã áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông; ủ phân chuồng để bón cho cây. Gia đình tôi đang nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật chăm sóc để cam chín muộn hơn, bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán cho được giá.

 

 

Người dân xã Tân Hợp đóng gói cam xuất bán.

 

Nhìn trên tổng thể, Tân Hợp có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp với cây ăn quả có múi, trong đó có cây cam. Hiện, xã đã hình thành vùng trồng cam với tổng diện tích gần 83 ha; trong đó có gần 20 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 400 tấn/năm; cây cam được trồng nhiều tại các các bản Nà Mường, Nà Sánh, Sam Kha...

 

Anh Mùi Văn Luận, Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin: Nhờ đất đai và khí hậu phù hợp, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt nên quả cam ở Tân Hợp thơm và ngọt dịu, được thương lái ở một số tỉnh vào tận xã để thu mua. Mấy năm trở lại đây, nhờ cây trồng này mà đời sống của nhiều hộ dân trong xã đã thay đổi rõ rệt, nhiều hộ giàu lên từ trồng cam. Cây cam đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và đang được bà con nông dân mở rộng diện tích, xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để từng bước đưa cây cam trở thành cây trồng chủ lực.

 

Nhờ quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân ở Tân Hợp, huyện Mộc Châu đã có nguồn thu nhập cao và ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, là động lực để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới