Cách nghĩ mới ở Sam Quảng

Đã nhiều lần đến bản Sam Quảng, xã Mường Lèo (Sốp Cộp), nhưng lần nào cũng mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau. Lần này cũng vậy, Sam Quảng đổi khác nhiều quá, nhất là trong cách nghĩ, cách phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

 

Cán bộ Đội 7 vận động thanh niên bản Sam Quảng tham gia lao động tại các công ty.

 

Trời mưa tầm tã, con đường từ trung tâm xã Mường Lèo lên Sam Quảng trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì có tới gần chục điểm sạt lở. Con đường đến bản chỉ hơn chục cây số, nhưng mất 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến nơi. 48 hộ dân nơi đây vốn dĩ đã rất khó khăn, thêm con đường về bản không thuận lợi khiến cuộc sống của họ khó khăn bội phần. Thế nhưng “cái khó ló cái khôn”, họ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để cuộc sống dần đổi thay. Khoảng chục năm về trước, tất cả các hộ dân Sam Quảng đều thuộc diện nghèo, bởi không biết canh tác, cây trồng và chọn nuôi con vật nào cho phù hợp. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của những chiến sỹ Đội 7 (Đoàn 326) bà con đã biết làm ruộng nước, không phá rừng làm nương, nhà nào cũng làm được vườn rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Một điểm nổi bật là Sam Quảng bây giờ không còn ai liên quan đến ma túy, không có người mắc nghiện, cả bản chỉ còn chục hộ nghèo. Không chỉ thế, một số thanh niên trong bản thay vì vào rừng kiếm củi, làm nương, quanh quẩn với con trâu, con bò, thì nay họ đã biết đi làm công nhân cho một số công ty lớn. Đại úy Lê Xuân Hợi, Chính trị viên Đội 7, chia sẻ: Nhận thấy người dân Sam Quảng thường thiếu ăn lúc giáp hạt, trong khi thanh niên trong độ tuổi lao động dồi dào lại không có việc làm, cấp ủy, chỉ huy Đội xác định phải tạo ra việc làm cho dân để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trước hết tuyên truyền, vận động thanh niên trong độ tuổi lao động xuống các khu công nghiệp, tìm kiếm việc làm. Chúng tôi đã xin ý kiến cấp trên và về tận Công ty May xuất nhập khẩu Yên Mỹ (Hưng Yên), Công ty Thép Hòa Phát, Công ty sản xuất thìa... vận động lãnh đạo các công ty tạo điều kiện, tiếp nhận những lao động phổ thông trên địa bàn Đội 7 đóng quân.

Tuy nhiên, đơn vị cũng gặp rất nhiều trở ngại. Đầu tiên là không người dân nào ở Sam Quảng biết đến thông tin lao động trong công ty, nhất là làm việc trong môi trường công nghiệp. Trong khi họ mang tâm lý không muốn đi xa, ngại tiếp xúc, ngại va chạm với môi trường bên ngoài... nhiều lần kiên trì tuyên truyền, vận động, đến cuối tháng 5 vừa qua, Đội chỉ vận động được 2 lao động nữ đi lao động tại khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên). Đến tháng 7, vận động được thêm 8 người nữa. Biết tin Sam Quảng có người được đưa đi làm việc ở dưới xuôi, đã có 2 người ở bản Huổi Làn và 2 người bản Huổi Hịa cũng đăng ký đi làm. Để giúp những lao động ở Sam Quảng có thêm điều kiện trong sinh hoạt tạo nơi làm việc mới, Đoàn 326 đã hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, ngoài tặng tiền 500 nghìn đồng/suất, mỗi người còn được vay 2 triệu đồng để trang trải sinh hoạt trong tháng đầu tiên. Không chỉ vậy, Đoàn còn bố trí xe đưa họ đến tận nơi làm việc. Được biết, công việc chủ yếu của những người lao động này là may mặc, đóng gói hàng hóa, vận hành máy móc... mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Những lao động được nhận vào làm việc đều được doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe, khen thưởng... Bây giờ, những lao động của Sam Quảng rất hào hứng với công việc, các chủ doanh nghiệp đều đánh giá những lao động này rất chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi, tính gắn kết cộng đồng cao. Tiếng lành đồn xa, đến nay đã có nhiều gia đình không chỉ ở Sam Quảng, mà các bản lân cận cũng chủ động liên hệ với đơn vị để làm hồ sơ, tìm kiếm việc làm cho con em họ. Đặc biệt là bản Huổi Luông, đây là bản 100% người dân theo đạo cũng đã có 6 người tìm đến xin việc làm.

Đến thăm gia đình ông Giàng Nhịa Hợ, có con gái Giàng Thị Chia đi lao động xa nhà. Trong đợt đưa những thanh niên xuống nhận việc, Chia đã nhờ Đại úy Hợi giữ hộ 4 triệu đồng tháng lương đầu tiên gửi về gia đình. Được tin người trong bản gửi tiền lương về, nhiều người dân trong bản đã kéo đến nhà ông Hợ để chứng kiến và nghe bộ đội tuyên truyền. Ông Hợ phấn khởi: Lần đầu tiên được cầm nhiều tiền đấy, sẽ giữ một phần để chi tiêu, còn lại sẽ cất cho con gái thôi.

Người đầu tiên ủng hộ việc làm của bộ đội ở Đội 7 là ông Giàng Chi Măng, năm nay đã hơn 80 tuổi, ông là người có uy tín của bản. Mỗi lần bộ đội đi vận động bà con thì ông đều đi cùng để giúp sức. Ông bảo: Tôi rất vui khi con cháu trong bản có được việc làm ổn định, lại có thu nhập. Từ bao đời nay, trong bản chưa có ai ra khỏi bản để tìm việc làm như vậy. Tôi mong rằng sau này sẽ có nhiều người nữa trong bản đi làm để có thu nhập và mang “cái văn minh” về bản.

Để thay đổi tư duy của người dân tộc vùng cao ở đây là điều không đơn giản. Thế nhưng, nhờ “Bộ đội Cụ Hồ”, cách làm, cách nghĩ của họ đang dần thay đổi, cái đói, cái nghèo sẽ bị đẩy lùi trong một ngày không xa.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới