Các địa phương tập trung dập dịch tả lợn châu Phi

Các lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng các phương tiện ra vào xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh (ảnh: Vũ Văn Đạt/TTXVN)


Ngày 10/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện Trực Ninh thực hiện các giải pháp dập dịch tả lợn châu Phi, ngăn chặn dịch lan rộng sau khi phát hiện có ổ dịch tại xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh.

Để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã quyết định thành lập 1 đội kiểm dịch động vật lưu động liên ngành của tỉnh và 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành đóng tại Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định); Trạm thu phí Mỹ Lộc - Quốc lộ 21B (huyện Mỹ Lộc); khu vực gần chân Cầu Non Nước - Quốc lộ 10 (huyện Ý Yên) và bến phà Sa Cao (huyện Xuân Trường). 

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Hiện xã Trực Thắng đã thành lập 3 chốt kiểm dịch, cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định; rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khu vực ổ dịch và vùng lân cận. 

Nhằm giúp nhân dân hiểu đúng, đầy đủ, xã đã thường xuyên cập nhập tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên hệ thống loa truyền thanh tới các xóm để bà con chủ động phòng, chống dịch.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn xã Trực Thắng luôn có lực lượng chức năng trực, làm nhiệm vụ phun thuốc sát trùng, khử khuẩn. Trên các tuyến đường chính của xã, hệ thống đường dẫn vào khu dân cư gần khu vực ổ dịch đã được cơ quan chức năng, người dân rắc vôi bột, vệ sinh sạch sẽ để ngăn các nguy cơ lây lan bệnh dịch.

Trực tiếp chỉ đạo, xử lý ổ dịch, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định yêu cầu, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh và các cơ quan chuyên môn địa phương tập trung dập dịch, không để dịch lây lan sang các địa bàn khác. Lực lượng chức năng phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định phòng, chống dịch, tuyệt đối không cho vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn ra và vào vùng đang có dịch. Các hộ chăn nuôi ở gần ổ dịch tạm thời ngừng giết mổ lợn.

Bà Hoàng Thị Tố Nga khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; áp dụng các hình thức, biện pháp chăn nuôi an toàn. Hiện Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi nên khi phát hiện lợn có các biểu hiện bệnh bất thường, ốm, chết do dịch bệnh này các hộ phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn xử lý tiêu hủy, không tiêu thụ lợn ốm, lợn chết, không giấu dịch. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Vùng I đối với các mẫu bệnh phẩm của tỉnh Nam Định gửi ngày 8/3 thì đã có 4/5 mẫu dương tính với virut dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, Nam Định là tỉnh thứ 13 trên cả nước đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã phát hiện ổ bệnh dịch lợn tả châu Phi đầu tiên tại xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh vùng và tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh tránh để bệnh dịch lây lan phát tán.

UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Cùng với đó, UBND huyện Hoa Lư giao UBND xã Ninh Khang - nơi phát hiện ổ dịch kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để chỉ đạo, triển khai khoanh vùng, khống chế, nhanh chóng dập dịch.

UBND huyện Hoa Lư cũng duy trì hoạt động 24/24 giờ các chốt kiểm dịch động vật theo Quyết định của UBND huyện; chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn vệ sinh tiêu độc khử trùng vùng dịch và khu vực xung quanh; cử cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh kịp thời; yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi không giết mổ, không bán chạy lợn ốm, lợn chết.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới