Cá tép dầu khô vùng lòng hồ huyện Phù Yên

Những năm gần đây, người dân các xã vùng lòng hồ thủy điện sông Đà huyện Phù Yên phát triển nghề đánh bắt, chế biến sản phẩm cá tép dầu, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đã và đang giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập.

 

 

 

Người dân chọn mua cá tép dầu khô bày bán trên quốc lộ 43 đoạn qua xã Tường Tiến (Phù Yên).

                 

Chúng tôi về các xã vùng hồ huyện Phù Yên đúng vào vụ đánh bắt cá tép dầu. Mới mờ sáng, trên lòng hồ đã sôi động bởi tiếng máy của những chiếc thuyền đánh cá của người dân. Được biết, đây là thời điểm thích hợp nhất trong ngày để cất vó bắt cá tép dầu. Những con cá tép dầu hình thon dài, có sọc nhỏ màu vàng chanh chạy dọc sống lưng, toàn thân có màu bạc, ngay sau khi được vớt lên lòng thuyền, người dân phân loại cá theo kích cỡ rồi cho vào các thùng nhựa, thùng nhôm, ướp đá lạnh để vận chuyển về nhà.

                 

Trên khoang thuyền đi đánh cá, anh Hoàng Văn Hiêng, bản Nà Pục, xã Tường Tiến chia sẻ: Đánh bắt cá tép dầu không khó, vì cá thường đi thành đàn lớn ở gần mặt nước. Trước đây, chúng tôi thường dùng vó bè để đánh bắt cá ở ven sông, từ năm 2016, gia đình sắm được thuyền máy nên đánh bắt được số lượng cá nhiều hơn. Mùa cá tép dầu thường bắt đầu từ đầu tháng 4 đến hết tháng 7 hằng năm, lúc đó mực nước lòng hồ xuống thấp. Để đánh bắt cá tép dầu, cần sử dụng lưới cước, buộc cố định 2 đầu lưới vào đầu đoạn cây tre, gỗ hoặc sắt dài khoảng 5 - 7m, gác chéo vào mũi thuyền, lấy độ sâu của lưới khoảng 4 - 5 mét, rồi đẩy vó dọc theo sông để xúc vớt cá tép dầu. Những ngày thời tiết đẹp, ít gió, có thể đánh bắt được cả tạ cá tép dầu, nhưng ngày thời tiết không thuận lợi chỉ bắt được từ 40 - 50 kg. Mỗi vụ cá tép dầu, cá bán tươi và chế biến khô, gia đình tôi có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng.

                 

Hằng năm, khi mực nước vùng lòng hồ sông Đà xuống thấp, người dân các xã: Tường Phong, Tường Hạ, Tường Tiến, Tân Phong, Nam Phong, Bắc Phong tiến hành đánh bắt và chế biến cá tép dầu. Một phần sản lượng đánh bắt được bán cho thương lái, với giá từ 10-12 nghìn đồng/kg, phần còn lại các gia đình tự chế biến, bảo quản bằng cách phơi khô. Đối với cá nhỏ, rửa sạch bằng nước, ướp muối trắng rồi mang phơi hoặc sấy khô bằng than. Còn loại cá to bằng 2-3 ngón tay, được chế biến bằng cách dùng dao mổ dọc lưng cá, bỏ ruột và đầu, lọc bớt xương, rửa sạch, ướp muối, ớt bột và gia vị từ 10 - 15 phút, sau đó đem phơi nắng. Tùy thuộc vào thời tiết, cá phơi từ 1,5- 3 ngày, cứ 10 kg cá tươi chế biến được 2-2,5 kg cá tép dầu khô. Hiện, cá tép dầu khô loại nhỏ bán với giá từ 50 - 55 nghìn đồng/kg, cá tép dầu khô loại to đóng gói có giá từ 130 - 150 nghìn đồng/kg.

                 

Cá tép dầu được bán trong xã, trong huyện, dọc ven quốc lộ 43, ngoài ra còn tiêu thụ ở các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Mai Sơn... và các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội... Chúng tôi trò chuyện với chị Mùa Thị Hoa, thị trấn Nông trường Mộc Châu, đến huyện Phù Yên mua cá tép dầu khô, chị cho biết: Đến mùa cá tép dầu, tôi thường về các xã vùng lòng hồ của huyện Phù Yên để thu mua mang về Mộc Châu bán. Cá tép dầu ở đây được người dân đánh bắt và bảo quản tốt, sản phẩm chế biến hoàn toàn thủ công, không chất bảo quản, cá sau phơi khô vẫn giữ được màu sắc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá tép dầu khô chiên hoặc nướng có vị giòn, dai, ngọt thanh, lại vừa béo, thơm, món ăn dân dã, mang hương vị đặc trưng nên được nhiều thực khách ưa chuộng và khách du lịch mua về làm quà. Mỗi tháng tôi thu mua từ 200 - 250 kg cá tép dầu khô các loại, nên thường đến tận nơi đặt hàng trước với người dân.

                 

Được biết, mỗi xã vùng lòng hồ sông Đà của huyện Phù Yên hiện nay có từ 10-20 hộ dân chuyên đánh bắt, chế biến cá tép dầu khô, sản lượng khoảng 500 tấn cá tép dầu tươi/vụ. Tuy nhiên, chưa có sự liên kết giữa các hộ, các HTX thủy sản trong việc tổ chức đánh bắt, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, người dân rất mong các cấp, các ngành chuyên môn quan tâm hỗ trợ kỹ thuật chế biến các sản phẩm từ cá tép dầu, để tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu cá tép dầu của Phù Yên, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới