Bứt phá để làm giàu trên quê hương

Mới chỉ học xong trung học phổ thông, nhưng với sự cần cù, sáng tạo, chàng trai trẻ Lừ Văn Tuyên đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế của quê hương Quỳnh Nhai để nuôi trồng thủy sản; vận dụng cơ chế chính sách thu hút của tỉnh để phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao kết hợp làm du lịch ở các đảo trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

 

Lồng nuôi cá trên hồ thủy điện Sơn La của HTX dịch vụ thương mại Hương Tuyên.

Từ lái xe chở vật liệu xây dựng đến Tổng giám đốc liên hiệp các HTX

Ở xóm 7, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai), mọi người thường nhắc đến chàng trai Lừ Văn Tuyên với tình cảm quý mến, đó là một chàng trai nhanh nhẹn, đầy nhiệt huyết trong công việc và luôn giúp đỡ mọi người. Sinh năm 1983, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà nghèo nên Tuyên phải tự bươn chải để mưu sinh, chăm sóc bố, mẹ cùng các em trong gia đình. Sau nhiều năm lái xe tải nhẹ để chở vật liệu phục vụ các công trình xây dựng ở xã, tích lũy được ít vốn, năm 2011, Tuyên đã thành lập HTX sản xuất vật liệu xây dựng với 7 thành viên tham gia. Đến năm 2015, nhận thấy lòng hồ thủy điện Sơn La với nguồn nước phong phú, nguồn cá tạp dồi dào là tiềm năng, lợi thế cho nghề nuôi thủy sản. Tuyên đã mạnh dạn vận động các thành viên HTX chuyển đổi ngành nghề sang nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La với 15 thành viên tham gia, quy mô ban đầu 28 lồng cá bằng khung sắt, phuy nhựa, nuôi các giống cá: trắm, trê, chép, lăng, nheo. Ngay trong năm đầu tiên, doanh thu của HTX đạt 672 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 245 triệu, thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/lồng. Lừ Văn Tuyên chia sẻ: Năm 2016, HTX đã mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nạp thêm 7 thành viên, mở rộng quy mô sản xuất lên 52 lồng; thực hiện nuôi cá theo nhu cầu thị trường như cá lăng, nheo, rô phi nên doanh thu tăng lên 1 tỷ 470 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 600 triệu đồng. Năm 2017, HTX tiếp tục duy trì 52 lồng cá và tập trung vào sản xuất, như: Tăng mật độ thả giống, đầu tư cao về thức ăn, chú trọng công tác vệ sinh, phòng trị bệnh cho cá, đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, doanh thu của HTX đạt hơn 2 tỷ 285 triệu đồng, lãi 778 triệu đồng, thu nhập bình quân 14,9 triệu đồng/lồng. HTX cũng đầu tư phương tiện vận tải, bể chứa và hệ thống sục khí để vận chuyển cá đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết tốt đầu ra sản phẩm của HTX và các HTX khác trên địa bàn. Năm 2017, được sự giúp đỡ của các cấp, ngành, HTX dịch vụ thương mại Hương Tuyên cùng với 7 HTX thủy sản khác đã liên kết thành lập Liên hiệp HTX thủy sản cá sông Đà Sơn La, bản thân tôi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Năng động, vận dụng tốt cơ chế chính sách để thành công

Không chỉ dừng lại ở nuôi cá lồng, thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, năm 2017, Tuyên và các thành viên HTX thuê 4 hòn đảo nổi trên lòng hồ (gần cầu Pá Uôn) với diện tích hơn 12 ha để đầu tư trồng các loại cây ăn quả như nhãn, na Thái Lan kết hợp với du lịch sinh thái và chăn nuôi đại gia súc. Đưa chúng tôi đi thăm quan những hòn đảo đang được trồng cây ăn quả, ấn tượng đầu tiên là sự quy hoạch khoa học và rất chi tiết liền khoảnh, liền vùng. Những cây na, cây nhãn được vun trồng cẩn thận đang phát triển tốt, vươn mình đón nắng gió trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Trên đỉnh đồi, những teec nước luôn đầy ắp như lòng nhiệt huyết làm giàu trên quê hương của anh chàng giám đốc trẻ tuổi. Nỗ lực làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thôi thúc chàng trai trẻ lặn lội đi tìm những nguồn nước ở trên các sườn núi, rồi nghiên cứu làm đường ống dẫn để tưới cho cây trồng theo phương pháp tưới ẩm nhỏ giọt Israel; không nói về công sức bỏ ra mà chỉ tính riêng tiền ống dẫn nước từ các sườn núi về các mỏm đồi thì anh Tuyên đã phải bỏ ra gần 50 triệu đồng.

Vừa trò chuyện, vừa đưa chúng tôi đi thăm quan, đến mỏm đồi chính, chúng tôi gặp em gái của Tuyên, học nông nghiệp ra trường, hiện đang làm ở Trung tâm Khuyến nông huyện, đã tham gia cùng HTX để lo phần kỹ thuật ươm giống, chăm sóc. Tuyên bảo: Các loại cây trồng của HTX đều ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả với HTX Thanh Sơn (Mai Sơn), năm 2018, HTX tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên 12 ha với cơ cấu giống chủ yếu là nhãn, táo, na, bơ. Nói về những thành công bước đầu trong nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, theo Tuyên thì ngoài nỗ lực của bản thân và các thành viên HTX, vấn đề quan trọng nhất là các cơ chế, chính sách của tỉnh đã là động lực để cho HTX thành công; HTX đã được hỗ trợ làm lồng nuôi cá theo Nghị quyết 88/2014 ngày 17/9/2014 của HĐND tỉnh cho 52 lồng cá với tổng số tiền 260 triệu đồng; HTX được vay vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015 của Chính phủ với số tiền 500 triệu đồng.

Chăm chỉ và tâm huyết, ngày nào hai vợ chồng Tuyên cũng giành phần lớn thời gian để ra đảo chăm sóc cây mới trồng, chăm đàn bò giống, tự mua máy hàn về để hàn nhà ở, nhà kho trên đảo theo quy trình khép kín. Với ý chí, nỗ lực của bản thân, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, tin rằng các mô hình kinh tế của chàng giám đốc trẻ đầy nhiệt huyết sẽ ngày càng phát triển và khởi sắc. Mô hình kinh tế của Lừ Văn Tuyên được đi báo cáo điển hình tiên tiến toàn quốc và tại tỉnh Sơn La. Quan trọng hơn cả là mô hình đã và đang thể hiện sức trẻ của thanh niên trong khởi nghiệp, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới