Bước tiến trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Sang

Với 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc đưa các loại cây trồng vào sản xuất, thời gian qua, nhân dân xã Đông Sang (Mộc Châu) đã tích cực ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, nâng thu nhập trên diện tích đất canh tác bình quân đạt gần 70 triệu đồng/ha.

 

Người dân bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu)

sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp.

Trong chuyến công tác về xã Đông Sang vào đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên tại bản Tự Nhiên. Người phụ nữ hơn 60 tuổi này đã để lại cho chúng tôi ấn tượng về sự nhanh nhẹn, tháo vát và sự sáng tạo trong lao động sản xuất. Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng rau của Hợp tác xã, bà Luyến cho biết, cách đây khoảng 7 năm, trên diện tích đất sản xuất của gia đình, bà trồng ngô và một số loại cây lương thực, nhưng năng suất, chất lượng ngày càng kém. Do đó, bà cùng một số hộ dân khác trong bản đi tham quan một số mô hình trồng rau và thấy rằng rau sạch trồng được quanh năm và mang lại thu nhập cao. Bà và các hộ dân đã bàn bạc và thành lập HTX  Rau an toàn tự nhiên để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, với quy mô  trên 20 ha. Hiện nay, 100% diện tích trồng rau của HTX đều sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX còn đầu tư nhà lưới để hạn chế sâu bệnh và đầu tư công nghệ tưới ẩm nhỏ giọt, tưới phun sương. Nhờ vậy, năng suất bình quân đạt khoảng 60 tấn rau các loại/ha, thu nhập bình quân của thành viên đạt hơn 400 triệu đồng/năm.

Chúng tôi về trụ sở UBND xã Đông Sang để tìm hiểu rõ hơn về những bước tiến của xã trong sản xuất nông nghiệp. Trò chuyện với đồng chí Vì Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sang được biết, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng đang là định hướng phát triển kinh tế của xã. Do xã gần các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nên người dân trong xã có cơ hội được tiếp cận với phương pháp áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp sạch. Cùng với đó, xã đã chỉ đạo các bản tuyên truyền tới người dân về định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng cộng nghệ cao, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp và đưa các giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao vào trồng thay thế các loại cây lương thực năng suất thấp.

Để giúp nông dân nắm bắt và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xã đã đề nghị Trạm Khuyến nông huyện cử cán bộ về các bản, tiểu khu hướng dẫn bà con theo cách “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ người dân những kiến thức cơ bản; được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng... Nhờ vậy, xã Đông Sang hiện có gần 500 ha cây ăn quả chủ yếu là các loại cây có múi, mơ, mận hậu và chanh leo. Bà con còn trồng thêm một số loại cây mới như nhãn ghép chín muộn, xoài Đài Loan, bơ, sản lượng các loại quả bình quân hơn 3.000 tấn/năm. Ngoài ra, người dân còn đưa các loại rau màu vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Được biết, hiện toàn xã đã có trên 5.000 m2 nhà lưới; một số hộ trồng rau đã đưa công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương và phủ màn đất vào sản xuất. Qua đó, nâng cao khả năng phòng, chống sâu bệnh hại cây và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới ẩm đòi hỏi nguồn vốn khá lớn với khoảng 300 triệu đồng cho 1.000 m2, nên người dân cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, xã tiếp tục tạo điều kiện cho nhân dân vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt ưu tiên cho đầu tư áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Cũng trong chuyến công tác lần này, chúng tôi còn đến gia đình ông Nguyễn Thông Phương, là một trong những hộ trong xã áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp với việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương. Ông Phương chia sẻ: Công nghệ tưới nhỏ giọt này giúp gia đình tôi tiết kiệm nhiều thời gian, công lao động cho việc tưới cây vào mùa khô. Ngoài ra, khâu bón phân cũng nhanh hơn trước, bởi chỉ cần hòa tan phân bón vào nước rồi phun tưới. Nếu làm theo cách truyền thống mất khoảng 1 ngày thì bây giờ chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ là xong.

Đông Sang là một trong những xã điểm của huyện Mộc Châu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Điều này đã giúp xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4% năm 2017. Đồng thời, góp phần giúp xã hoàn thành mục tiêu cán đích nông thôn mới trong năm 2018.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới