Bước tiến công nghiệp

Năm 2017, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp trong thu hút đầu tư và thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển với những bước tiến quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Qua đó góp phần tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, tạo vệc làm ổn đ?nh cho hàng ngàn lao động địa phương. Đồng thời, khẳng định rõ được hướng đi đúng của nền công nghiệp tỉnh nhà tập trung cao cho bảo quản, chế biến, nông sản thành hàng hóa chất lượng cao, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm trong xu thế hội nhập và phát triển.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu khởi công xây dựng Nhà máy bảo quản và chế biến nông sản công nghệ cao Vân Hồ.

 

Bước tiến rõ nét nhất trong lộ trình phát triển công nghiệp của tỉnh ta trong nhiều năm qua là tỉnh đã tập trung mạnh cho việc đầu tư một số cơ sở công nghiệp với quy mô lớn. Qua đó, đến nay đã dần hình thành lên các cụm công nghiệp gắn với sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, đô thị, dịch vụ quanh các khu công nghiệp. Trong đó, để hình thành nên các khu công nghiệp có quy mô lớn, tỉnh đã tập trung ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích ưu đãi trên địa bàn đối với các nhà đầu tư; chính sách khuyến khích phát triển điện nông thôn; quy hoạch ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020; sản xuất phân bón, quy hoạch chi tiết một số khu, cụm công nghiệp. Trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh, đến nay trên địa bàn đã hình thành được 4 cụm công nghiệp tại huyện Phù Yên, Mộc Châu, Mường La, như: Cụm công nghiệp Mộc Châu, có 4 đơn vị đầu tư sản xuất các lĩnh vực triết nạp gas, sản xuất các sản phẩm ván từ tre, xây dựng kho chứa xi măng và kho muối dự trữ quốc gia; Cụm công nghiệp Gia Phù, Quang Huy (Phù Yên) với 3 đơn vị đầu tư sản xuất lĩnh vực may mặc, sản xuất giầy da, đã và đang thu hút gần 3.000 lao động là người địa phương; Cụm công nghiệp Mường La, đã được tỉnh quan tâm đền bù giải phóng mặt bằng gần 11 ha, tạo mặt bằng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào triển khai các dự án. Trước yêu cầu phát triển công nghiệp, tỉnh cũng đã ban hành được quy chế quản lý khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung và chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đồng thời, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp trong việc triển khai thực hiện chương trình khuyến công gắn với thành lập trung tâm khuyến công, tư vấn công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, đẩy nhanh quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 130 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và khoảng 3.200 cơ sở cá thể hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng số lao động khoảng 15.000 lao động. Các cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có nhiều cố gắng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng quản lý, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của tỉnh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 17.344 tỷ đồng, bằng 113,5% so với kế hoạch đề ra và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu trên 30.000 USD.

Công nhân nhà máy giầy da Phù Yên thuộc cụm công nghiệp Quang Huy trong ca sản xuất.

Bước tiến tiếp theo của công nghiệp tỉnh ta được thể hiện rõ trong quyết tâm phát triển công nghiệp điện. Nếu từ năm 2004 trở về trước, việc khai thác tiềm năng thuỷ điện ở tỉnh ta còn ở mức thấp, tỉnh ta mới chỉ có nền tảng trọng điểm là thuỷ điện Nậm Công (Sông Mã) và thủy điện Chiềng Ngàm (Thuận Châu) đã hoà lưới điện Quốc gia, thì đến năm 2005, công nghiệp Sơn La đã được đánh dấu son bằng việc khởi công xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, công trình lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây không chỉ là thời cơ, cơ hội cho sự phát triển KT-XH tỉnh nhà, mà còn thể hiện rõ được tiềm năng công nghiệp điện của Sơn La, góp phần vào thúc đẩy phát triển KT-XH các tỉnh Tây Bắc và phục vụ quá trình nghiệp công nghiệp hoá, điện đại hoá đất nước. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, nắm rõ tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp điện, trong chiến lược trọng tâm, tỉnh ta đã triển khai quy hoạch chi tiết mạng lưới thuỷ điện nhỏ để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng ở các sông suối; thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là các nguồn vốn dân doanh để phát triển các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ. Đặc biệt, trong xu thế phát triển hiện nay với nguồn thuỷ năng dồi dào của tỉnh, thì việc đầu tư xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ có khả năng đấu nối vào lưới điện Quốc gia, tạo nguồn điện độc lập tại chỗ, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất là rất cần thiết. Do vậy, ngay khi bước vào khởi công xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án triển khai đưa vào khởi công xây dựng, như: Thuỷ điện Nậm Chim, Nậm Công, Nậm Chiến, Suối Sập và Huổi Quảng... Đây cũng là chính là cơ hội tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp điện nói riêng, công nghiệp Sơn La nói chung phát triển hội nhập, tạo đà cho việc thúc đẩy phát triển KT-XH và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xoá đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị.

Cùng với những bước tiến đột phá trên, trong những năm qua công nghiệp tỉnh nhà còn tạo dấu ấn khi thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng và hình thành được các nhà máy lớn trên địa bàn, như: Nhà máy chế biến mía đường Sơn La với công suất 3.000 tấn mía cây/ngày, tương đương 350 tấn đường tinh luyện/ngày; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sơn La, công suất 100 tấn tinh bột sắn/ngày với sản lượng niên vụ 2016-2017 đạt gần 6.000 tấn tinh bột và Nhà máy đang dự kiến đưa công suất lên 300 tấn tinh bột/ngày; Nhà máy chế biến sữa Mộc Châu với công suất trên 200 tấn sữa tươi/ngày. Trong năm, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút các doanh nghiệp đầu tư 6 nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển đa dạng của ngành công nghiệp tỉnh nhà với khả năng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế và gắn được với thị trường. Đặc biệt, là ngành công nghiệp sản xuất chế biến gắn với vùng sản xuất nguyên liệu thế mạnh của tỉnh, như: Chế biến nông sản, thực phẩm sạch được quan tâm và phát triển với tốc độ khá. Tỉnh đã khởi công Nhà máy chế biến chanh leo; nhà máy chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Vân Hồ; nhà máy chế biến  quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao Sơn La; nhà máy chế biến nông sản BHL; nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La; nhà máy chế biến mủ cao su ở Thuận Châu. Trong đó, nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao (SI) Vân Hồ có quy mô trên 4 ha. Sản lượng giai đoạn đầu ước đạt 1.700 tấn/năm; giai đoạn 2 là 3.400 tấn/ha. Đây sẽ là nhà máy gia công chế biến nông sản sử dụng nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng và ưu tú tại chỗ để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng ưu việt xuất khẩu ra toàn thế giới. Đối với nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao Sơn La có quy mô trên 20 ha, chuyên cung cấp các loại đồ uống từ dịch vụ quả và sữa. Công suất thiết kế từ 18.000 chai đến 20.000 chai/giờ tương đương 16.000 kg thành phẩm/giờ. Nhà máy sau khi hoạt động sẽ thay đổi toàn diện tư duy kinh tế về sản xuất  nước ép hoa quả thủ công, manh mún như hiện nay ở Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân Sơn La... Đến nay, các sản phẩm chè, cà phê, điện thương phẩm, sữa, rau củ quả sạch... đã và đang tạo tiếng vang trên thị trường trong và ngoài nước với lượng xuất khẩu khá lớn. Trong đó, đã công bố thương hiệu sản phẩm cà phê Sơn La, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, nâng lên 9 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; công bố sản phẩm chanh leo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; xuất khẩu thêm sản phẩm xoài, nhãn, chanh leo sang thị trường Úc, Pháp, Mỹ, Thụy Sỹ, Hàn Quốc...

Ca sản xuất của công nhân Nhà máy Mía đường Sơn La.

Một năm nữa lại đến, cùng với những đột phá và phát triển trên các lĩnh vực của tỉnh ta thì lĩnh vực công nghiệp đã có những bước tiến mới, thể hiện rõ sự phát triển của một nền kinh tế quy mô lớn trong tương lai. Tin tưởng rằng, với hướng đi đúng và phát triển như hiện tại, hoạt động công nghiệp tỉnh ta sẽ dần lớn mạnh. Trong đó, ngành công nghiệp Sơn La sẽ gánh vác được trọng trách cùng cả nước thực hiện tốt lộ trình nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH của tỉnh, đưa Sơn La trở thành một tỉnh có nền công nghiệp phát triển khá trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc trong tương lai.

Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới