Bước chuyển của điểm Bưu điện - Văn hóa xã

Sau 20 năm hình thành, các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) trên địa bàn tỉnh đang dần có bước phát triển mới, giúp người dân khu vực nông thôn được thụ hưởng các dịch vụ tiện ích.

 

Lãnh đạo Bưu điện tỉnh khen thưởng các điểm BĐ-VHX triển khai tốt đa dịch vụ trong những năm qua.

 

Năm 1998, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Thông báo số 2327/VHTT-TB thống nhất ngành Bưu điện là chủ thể, là cơ quan chủ quản, Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ về văn hóa, cùng với ngành Bưu điện triển khai hiệu quả mô hình điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Sau đó, hệ thống điểm BĐ-VHX chính thức được công nhận là thành phần của mạng lưới bưu chính công cộng. Đi vào hoạt động, đến giai đoạn 2011-2013, là thời điểm các điểm BĐ-VHX ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do hầu hết các trụ sở đã quá thời hạn sử dụng trên 10 năm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cũ, hỏng. Trước những khó khăn về kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, theo đó để duy trì và phát triển các dịch vụ công ích phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ hội để các điểm Bưu điện - văn hóa xã phát triển trở lại với nhiều chức năng mới.

Ông Phùng Thế Hùng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Từ cuối năm 2015, Bưu điện tỉnh bắt đầu triển khai mô hình điểm BĐ-VHX kinh doanh đa dịch vụ. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 152 điểm BĐ-VHX, những năm qua, Bưu điện tỉnh đầu tư cải tạo, sửa chữa các điểm BĐ-VHX, chuyển đổi thành công 67 điểm bưu điện - văn hóa xã sang hoạt động đa dịch vụ... Sau khi triển khai mô hình này, tăng trưởng doanh thu mạnh qua các năm với tốc độ bình quân hằng năm trên 100% so với năm trước, nếu năm 2015 doanh thu đạt 4 tỷ 171 triệu đồng, đến năm 2017 tăng lên đạt 21 tỷ 481 triệu đồng, bằng 350% so với năm 2016. Thu nhập nhân viên BĐ-VHX được cải thiện rõ rệt, từ mức 1 triệu đồng/điểm/tháng năm 2014, đến nay đã tăng lên 2-3 triệu đồng/điểm/tháng.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, các nhóm dịch vụ của điểm BĐ-VHX vượt kế hoạch Tổng công ty giao là: Dịch vụ PPTT đạt 13 tỷ 820 triệu đồng, phát triển tập trung ở dịch vụ thẻ vật lý và hàng tiêu dùng; dịch vụ tài chính bưu chính đạt 6 tỷ 794 triệu đồng, chủ yếu tại dịch vụ chi trả lương hưu, BHXH; dịch vụ bưu chính chuyển phát đạt 867 triệu đồng, chủ yếu phát triển tại dịch vụ PHBC và cấp đổi GPLX. Các số điểm BĐ-VHX triển khai tốt như: Mường Bằng, Chiềng Sung, Hát Lót, Chiềng Mai, Chiềng Ban (Mai Sơn), Mường Chùm, Tạ Bú, Mường Chùm (Mường La); Chiềng Cọ, Chiềng Đen (Thành phố); Mường Sang, Đông Sang, Chiềng Hắc (Mộc Châu), Mường Cơi, Quang Huy, Huy Tân (Phù Yên), Mường Giôn (Quỳnh Nhai)...

Các điểm BĐ-VHX được đầu tư, nâng cấp máy tính, máy in, két sắt, cân, tủ...; việc trang bị nhận diện thương hiệu cho điểm BĐ-VHX đa dịch vụ giai đoạn 1, 2, 3 nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế, năng lực phục vụ đã triển khai ở 33 điểm bưu điện tại địa phương. Triển khai các mô hình kinh doanh tại BĐ-VHX bước đầu hiệu quả như: Mô hình BĐ-VHX đa dịch vụ, mô hình BĐ-VHX gia đình. Đồng thời, bước đầu phát triển kênh cộng tác viên, đại lý gắn với điểm BĐ-VHX, đặc biệt phát triển kênh bán hàng của cộng tác viên là hội viên Hội LHPN xã, phường, thị trấn, bản; nhân rộng mô hình tổ chức hội nghị bảo hiểm nhân thọ đạt kết quả cao như đã tổ chức ở các huyện: Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu...

Đến BĐ-VHX Chiềng Đen (Thành phố) vào ngày cuối tuần, chúng tôi thấy khá nhiều khách hàng đến thực hiện các giao dịch dịch vụ. Bà Quàng Thị Ban cho biết: Tôi đến điểm BĐ-VHX để nhận tiền của người thân gửi về. Trước đây, mỗi lần nhận tiền thế này tôi phải xuống tận Thành phố, nhưng hiện nay chỉ cần ra xã là đã nhận được rồi, không tốn nhiều thời gian đi lại nữa. Từ khi thực hiện mô hình BĐVHX đa dịch vụ, hằng ngày, lượng người dân đến sử dụng các dịch vụ ở đây đã nhiều hơn trước. Doanh thu của điểm bưu điện cũng tăng lên, thu nhập trung bình của nhân viên nhờ đó cũng đạt mức bình quân 3 triệu đồng/tháng. Chị Quàng Thị Hương, nhân viên điểm BĐVHX Chiềng Cọ (Thành phố) phấn khởi: Nếu trước đây, điểm BĐ-VHX chỉ có các loại hình dịch vụ đọc sách báo, gọi điện thoại trong cabin thì hiện nay đã có thêm nhiều dịch vụ khác ở nhóm bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối truyền thông. Từ khi điểm BĐ-VHX hoạt động đa dịch vụ, chúng tôi không còn thụ động ngồi chờ khách hàng đến mà trực tiếp đi đến tận nhà của người dân chuyển, phát bưu phẩm hay nhận bưu phẩm, nhận tiền để chuyển đi. Nhờ sự năng động trong hoạt động kinh doanh, lượng khách đến giao dịch ngày càng cao.

Để đạt được mục tiêu Bưu điện tỉnh đề ra, năm 2018 có 100% điểm BĐ-VHX cung cấp đa dịch vụ, ngành Bưu điện đã có các giải pháp chủ yếu, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các chuyên quản dịch vụ và chuyên quản BĐ-VHX, quy định rõ vai trò và chức năng của chuyên quản dịch vụ đối với sự thúc đẩy kinh doanh tại BĐ-VHX; gắn tỷ trọng doanh thu dịch vụ chuyên quản tại BĐ-VHX vào KPIs hàng tháng của chuyên quản dịch vụ; xây dựng đội ngũ chuyên quản BĐ-VHX chất lượng; gắn thu nhập của cơ quan với kết quả doanh thu BĐ-VHX; xây dựng, giám sát đánh giá kế hoạch, kết quả công việc chuyên quản các cấp hàng tháng; gắn hiệu quả hoạt động của chuyên quản BĐ-VHX tỉnh/huyện, điểm BĐ-VHX với trách nhiệm của giám đốc bưu điện huyện, tỉnh. Ngoài ra, mở rộng triển khai mô hình BĐ-VHX có 2 nhân viên/điểm tại các BĐ-VHX xuất sắc tạo tiền đề cho việc triển khai mô hình Trưởng BĐ-VHX; triển khai mô hình BĐ-VHX đa dịch vụ có chức danh Trưởng điểm BĐ-VHX theo định hướng, hướng dẫn của Tổng công ty; đẩy mạnh việc phát triển kênh bán CTV, đại lý, đặc biệt qua kênh Hội LHPN gắn với BĐ-VHX; triển khai mô hình BĐ-VHX gia đình, tổ nhóm BĐ-VHX phù hợp với đặc điểm của từng BĐ-VHX... góp phần nâng doanh thu lên hơn 36 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2017.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới