Bỏ phố lên đồi làm giàu

Đi dọc con đường bê tông ngoằn nghèo, tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Quốc, bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu (Sông Mã), chủ nhân của những quả đồi có rất nhiều cây nhãn, xoài sai trĩu quả đang đến vụ thu hoạch.

 

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình ông Nguyễn Văn Quốc.

“Nhiều người bạn vong niên của tôi cứ bảo tôi bị “làm sao”, đang ở phố không thích lại bỏ phố lên đồi, vào ở nơi vắng vẻ, anh em muốn đến thăm cũng ngại đi”, ông Quốc cười và nói với chúng tôi như vậy. Nhưng cái “làm sao” của ông không phải ai cũng dám làm và làm được. Cách đây 2 năm, với số vốn tích lũy được, ông vay tiền của Ngân hàng và anh em, bạn bè, để mua khu đất rộng gần 1 ha này, với giá hơn 700 triệu đồng, rồi đầu tư thêm khoảng 300 triệu đồng nữa quy hoạch, cải tạo đất, xây dựng chuồng trại nuôi bò nhốt chuồng, mua con giống, rồi lai ghép nhãn, xoài... khai thác tối ưu địa hình để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Vừa trò chuyện với ông, chúng tôi vừa quan sát khu trang trại mà ông Quốc gây dựng, thì mới hiểu nếu không say mê, quyết tâm làm giàu thì không thể làm được.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông tự đi học tập các mô hình làm kinh tế hiệu quả ở trên địa bàn và các địa phương khác, rồi tìm hiểu thêm các kỹ thuật chăm sóc đối với cây trồng, vật nuôi, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Ông trồng xen các loại cây ăn quả, trồng các loại rau, củ, quả…, mùa nào thức ấy, tận dụng làm thức ăn cung cấp đủ cho gia súc, gia cầm. Do vậy, không chỉ đàn bò được nuôi nhốt và cho ăn cỏ tự nhiên, mà các loại gia súc, gia cầm khác cũng được chăm sóc cẩn thận, lại luôn được dọn vệ sinh chuồng trại, tăng cường tiêm phòng dịch bệnh để chúng có sức đề kháng, sinh trưởng tốt. Ông Quốc khoe: Mỗi năm nhà tôi có thêm 7 đến 8 con bê, có con giống kế tiếp, gia đình lại bán đi những con to đã đến kỳ xuất chuồng. Với giá bình quân như hiện nay, thì mỗi con bò khi xuất chuồng, trừ hết chi phí còn lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn duy trì nuôi 30 con lợn thịt, thả rông gần 100 con lợn rừng, khoảng 500 con gà, vịt, ngan, ngỗng. Nếu tính cả thu gần 20 tấn nhãn, xoài và các loại cây ăn quả khác, thì năm nay dự kiến thu khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Nhận xét về ông Quốc, ông Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nà Nghịu, nhận xét: Ở bản Quyết Tiến này, ông Nguyễn Văn Quốc là điển hình về phát triển kinh tế, do đó, ông có điều kiện nuôi các con ăn học, đến nay các cháu đều đã trưởng thành và khá giả. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Quốc còn luôn đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của xã, bản; tham gia chương trình “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... ông đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh và huyện về sản xuất, chăn nuôi giỏi, tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, vừa qua ông là một trong 10 tấm gương tiêu biểu của huyện Sông Mã, đi dự Hội nghị điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi do tỉnh tổ chức.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới